Cách chăm sóc cây nhãn để không bị mất mùa



Sau mỗi vụ nhãn kết thúc, những người dân Hưng Yên lại tất bật với công việc chăm sóc nhãn. Tuy nhiên, chăm sóc nhãn như thế nào để sang năm vẫn có thể quy hoạch được thì không phải gia đình nào cũng thành công. Nó đòi hòi những người trồng nhãn vừa phải biết áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vừa biết vận dụng những kiến thức và kinh nghiệm được tích lũy từ thực tế.

Trả lại ngay sức khỏe cho cây

Đây là công việc đầu tiên mà hầu hết các gia đình có kinh nghiệm trồng nhãn lồng Hưng Yên thực hiện ngay sau khi thu hoạch nhãn bởi sau khi thu hoạch quả, đây là thời gian cây nhãn bị tổn thương và yếu nhất trong năm. Do đó, muốn tạo đà cho vụ sau thì việc đầu tiên cần làm đó là tỉa cành, tạo tán, chăm sóc để trả lại sức khỏe cho cây. Công việc này đóng một vai trò hết sức quan trọng giúp đảm bảo sự phục hồi, sinh trưởng và phát triển của cây sau 5 – 6 tháng nuôi quả, đồng thời “tiếp sức” cho cây để ra quả vụ sau. Việc tỉa bớt cành yếu, tạo tán nhằm mục đích để cây phân hóa mầm nhanh. Sau đó là xới, xáo gốc và sinh sạch sẽ vườn rồi cho cây nhãn “ăn”. Thức ăn cho cây được nhiều gia đình lựa chọn đó là nước phân lợn ngâm cùng với lân lâm thao. Sau khoảng 2 tuần, cây sẽ phát triển bộ rễ mới và bắt đầu phân hóa mầm.

Việc chăm sóc cây đúng cách để trả lại sức cho cây càng nhanh thì càng kích thích cây phát triển mầm sớm. Muộn nhất đầu tháng 10 cây phân hóa mầm tức là đã làm đúng cách.

Cây phải được “ngủ đông” đủ 60 ngày

Cũng có gia đình lựa chọn cách bón dưới gốc sau khi đã vệ sinh cây và vườn bằng phân đạm định kỳ mỗi tháng một lần theo định lượng (mỗi cây cho 1 tạ quả thì bón 1 – 1,5 kg đạm). Công việc này thường được giới hạn đến hết tháng 9 âm lịch. Sau đó, khoảng tháng 10 – 11 (âm lịch) tuyệt đối không được động chạm gì đến cây mà phải để cây “ngủ đông” đủ 60 ngày. Đây sẽ là thời gian để cây nhãn tích lũy chất dinh dưỡng. Sau thời gian đó, khi cây đã “ăn no, ngủ kỹ” lấy lại đủ “sức” thì hãy “đánh thức” cây bằng cách tưới thuốc kích cây phát dục, đồng thời quan sát cây, cành để có thể khoanh vùng những cành muốn cho ra hoa.

Cắt chùm, cành khi cây quá sai trong thời kỳ quả non

Một cách vô cùng hữu hiệu khác để giúp cây nhãn không rơi vào tình trạng năm được mùa, năm thất thu đó là chăm sóc nhãn khi ở giai đoạn quả non. Những người trồng nhãn phải chú ý quan sát, cây đủ sức “gánh” bao nhiêu nhãn khi thu hoạch thì để lượng quả non tương ứng, không được để cây chịu quá 10%. Cách đơn giản nhất để thực hiện giảm gánh nặng cho cây đó là cắt cả chùm quả hay cành. Phương pháp này còn giúp những cành bị cắt lên chồi non mới, làm cơ sở để ra hoa, đậu quả sang năm.

Chưa có bình luận nào

Tin khác đã đăng