Điểu khiển nhãn ra quả trái vụ – Cẩn thận kẻo “lợi bất cập hại”



Thời điểm này, những vườn nhãn chính vụ ở Hưng Yên đã thu hoạch hết. Thế nhưng, ở một số vườn nhãn, chúng tôi vẫn thấy lấp ló những chùm quả xanh non. Đó là những vườn nhãn đã được nông dân xử lý bằng khoa học kỹ thuật để ra quả trái vụ. Tuy […]

Thời điểm này, những vườn nhãn chính vụ ở Hưng Yên đã thu hoạch hết. Thế nhưng, ở một số vườn nhãn, chúng tôi vẫn thấy lấp ló những chùm quả xanh non. Đó là những vườn nhãn đã được nông dân xử lý bằng khoa học kỹ thuật để ra quả trái vụ. Tuy nhiên, việc xử lý cho nhãn ra quả trái vụ phải hết sức thận trọng, không khéo sẽ gây thiệt hại nặng nề.

Nhãn nở hoa giữa mùa hè

Nhắc đến ông Nguyễn Văn Cảnh, ở khu phố Kim Đằng, phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên), nhiều người biết đến tài “bắt” nhãn ra hoa kết trái theo ý muốn. Hiện nay, ông Cảnh sở hữu trên 2ha nhãn, trong đó có 1ha nhãn chính vụ đã cho thu hoạch. Trồng nhãn chuyên canh trên diện tích lớn, ông Cảnh thấm “bi kịch” nhãn được mùa thì mất giá. Vài năm trở lại đây, ông nổi danh là một trong những người có nhiều kinh nghiệm xử lý ra quả trái vụ.

Do thời tiết bất lợi nên năm nay, 1ha nhãn của gia đình ông Cảnh, tỷ lệ ra hoa chỉ đạt 20% – 30%, báo hiệu một vụ nhãn thất thu.

Không cam chịu nhìn nhãn mất mùa, với kỹ thuật và kinh nghiệm lâu năm của bản thân, ông liền áp dụng các biện pháp xử lý khác nhau cho từng loại nhãn để biến những vườn nhãn mất mùa trổ bông kết trái.
Tháng 2 âm lịch, khi phần lớn cây nhãn trong vườn ra hoa chính vụ, ông Cảnh tiến hành áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý với những gốc không ra hoa. Chỉ hơn 1 tháng sau (khoảng tháng 4 âm lịch), những cây nhãn này trổ bông, bung nở.

Tuy nhiên, trên mỗi cây nhãn, ông chỉ “ép” ra hoa trái vụ 50%, 50% còn lại ông để dành năm sau cho nhãn ra đúng vụ.

Thời điểm này, 1 mẫu nhãn trái vụ của ông đang sai trĩu quả, dự kiến sẽ cho thu hoạch vào đầu tháng 9 âm lịch với sản lượng ước tính gần 10 tấn nhãn.

Vườn nhãn trái vụ độc – lạ của ông Cảnh sai trĩu, khiến người dân qua lại ai nấy đều trầm trồ ngưỡng mộ. Họ gọi ông bằng cái tên đặc biệt là “phù thủy nhãn lồng”.

Ông Cảnh cho biết: “Từ cách đây 7, 8 năm tôi đã thử nghiệm “ép” nhãn ra hoa trái vụ và đã thành công. Từ đó đến nay, năm nào tôi cũng “ép” một số cây nhãn ra hoa trái vụ. Riêng năm nay tôi “ép” nhãn ra hoa trái vụ trên diện tích nhiều nhất bởi năm, diện tích nhãn chính vụ của tôi mất mùa nhiều nhất. Dự kiến với giá nhãn trái vụ mùa này được như năm ngoái, khoảng từ 30 – 50 nghìn/kg, tôi thu được khoảng từ 300 đến 450 triệu đồng”.

Một vườn nhãn khác của gia đình anh Hoàng Quang Tuấn ở thôn 1, xã Đại Hưng (Khoái Châu) vào thời điểm này cũng đang có quả non. Chủ vườn Hoàng Quang Tuấn hồ hởi nói: “Dự kiến chục cây nhãn này sẽ cho thu hoạch vào tháng 10, 11 âm lịch, lúc đó, cả tỉnh Hưng Yên chắc chỉ mình tôi có nhãn để thu hoạch, mặc dù sản lượng không lớn”.

Năm 2006, anh Tuấn bắt đầu trồng chuyên canh trên 1 mẫu nhãn. Vốn say mê cây nhãn, cách đây 6 năm, anh Tuấn đã áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm của bản thân để thử nghiệm “ép” 4 cây nhãn ra hoa trái vụ.

Bẵng đi vài năm, đến năm nay anh Tuấn lại “ép” khoảng 10 cây nhãn trong vườn ra hoa vào tháng 6, tháng 7, chính giữa mùa hè. Nhãn trái vụ ra hoa không chỉ ở các cây không ra quả chính vụ, mà nhiều cây nhãn còn vừa mang hoa vừa mang quả.

Chia sẻ về bí quyết cho nhãn ra hoa trái vụ của mình, anh Tuấn nói: “Để xử lý nhãn ra hoa trái vụ đòi hỏi nhiều yếu tố: trước tiên, phải chăm sóc cho cây nhãn khỏe, sau đó phải tỉa cành, tạo tán cho cây thoáng, rồi tùy từng loại giống nhãn khác nhau mà chọn thời gian phù hợp để tác động; khoanh cành, phun thuốc kích hoa…”.

Thận trọng kẻo “lợi bất cập hại”

Hiện nay, xu hướng sản xuất nông sản trái vụ ngày càng được nông dân chú trọng nhân rộng nhằm rải vụ thu hoạch, tránh tình trạng “được mùa mất giá”. Tuy nhiên, để xử lý cho nhãn ra quả trái vụ thì ngay cả những nông dân có kinh nghiệm lâu năm trong việc trồng nhãn cũng cho rằng phải hết sức thận trọng, không khéo sẽ gây thiệt hại nặng nề.

Anh Hoàng Quang Tuấn cho biết: “Nhãn trái vụ chịu tác động bất lợi của thời tiết đòi hỏi người trồng phải tích cực chăm sóc cho cây. Khi “ép” cây ra trái vụ thì sẽ làm thay đổi sinh lý của cây, khiến năm sau, cây sẽ không ra hoa, đậu quả vào chính vụ nữa. Như vậy, nếu “ép” nhãn ra trái vụ, nông dân sẽ gặp rủi ro cao. Bản thân tôi cũng mới đang trong quá trình thử nghiệm chứ chưa dám xử lý nhãn trái vụ trên diện tích lớn”.

Được biết, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với nhiều đơn vị để thực hiện nghiên cứu kỹ thuật cho nhãn ra hoa trái vụ nhưng không hiệu quả. Vì vậy, việc làm cho cây nhãn ra hoa trái vụ không được các ngành chuyên môn khuyến khích bởi tiềm ẩn rủi ro cao cho nông dân.

Ông Nguyễn Văn Tráng, Trưởng Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Thời tiết mùa đông năm 2016 với nhiệt độ cao hơn trung bình mọi năm và lượng mưa thấp đã tác động bất lợi đến quá trình phát triển của cây nhãn khiến cho một nửa diện tích nhãn của toàn tỉnh không nở hoa. Do đã được xử lý kỹ thuật nên sau đó một thời gian, khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, một phần nhỏ diện tích nhãn của Hưng Yên không ra hoa chính vụ mà lại nở hoa trái vụ. Tuy nhiên, việc nhãn ra hoa trái vụ sẽ làm thay đổi chu kỳ sinh lý bình thường của cây, ảnh hưởng đến sức khỏe của cây và chất lượng quả nên chúng tôi khuyến cáo nông dân không nên áp dụng đại trà”.

Theo Báo Hưng Yên

Chưa có bình luận nào

Tin khác đã đăng