Kỹ thuật trồng và thâm canh nhãn



Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của cây nhãn, trong 12 năm (1997-2009) Sở Khoa học và Công nghệ, Hội nhãn lồng tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả và các hộ nông dân thuộc huyện Tiên Lữ, thành phố Hưng Yên thực hiện […]

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của cây nhãn, trong 12 năm (1997-2009) Sở Khoa học và Công nghệ, Hội nhãn lồng tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả và các hộ nông dân thuộc huyện Tiên Lữ, thành phố Hưng Yên thực hiện dự án ” Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây nhãn“. Ban chủ nhiệm dự án đã xây dựng và thường xuyên bổ sung hoàn thiện quy trình kỹ thuật và đã được các hộ nông dân áp dụng mang lại hiệu quả cao. Tổng kết kinh nghiệm thực tiễn thâm canh nhãn trong thời gian qua, Hội nhãn lồng tỉnh Hưng yên biên tập và trân trọng giới thiệu những nội dung chính về kỹ thuật trồng và thâm canh nhãn.

I – KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC NHÃN GIAI ĐOẠN KIẾN THIẾT CƠ BẢN
1.1 Chọn giống:

Trong những năm vừa qua Sở KH&CN và Sở NN&PTNT tỉnh Hưng yên đã phối hợp với Viện nghiên cứu rau quả Việt nam tổ chức nhiều đợt bình tuyển Nhãn lồng đầu dòng, điển hình là năm 1999 đã bình tuyển, đề nghị và được Bộ NN&PTNT công nhận 11 cây nhãn lồng đầu dòng quốc gia cho cả 3 trà: chín sớm, chính vụ và chín muộn, trong đó có 2 giống là PHT 99 – 1.1 và PHM 99- 1.1 được nhân giống và trồng nhiều nhất; năm 1996 bình tuyển được 10 cây… Thông qua các đợt bình tuyển đã lựa chọn được các cây nhãn ưu tú làm cơ sở cho việc cải tạo vườn tạp và trồng vườn nhãn mới có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt
Cần mua cây nhãn giống tại các cơ sở nhân giống có uy tín và nên trồng các cây nhãn được nhân giống vô tính ( cành chiết hoặc cây ghép) từ các cây nhãn đầu dòng đã qua bình tuyển có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng ổn định, cây nhanh ra quả với cơ cấu hợp lý giữa các trà nhãn chín sớm, chính vụ và nhãn muộn để rải vụ thu hoạch và khắc phục các yếu tố bất lợi do thời tiết gây ra.

Chú ý: có thể có những cây nhãn quý nhưng vì nhiều lý do không tham dự nên chưa được bình tuyển và công nhận là cây nhãn đầu dòng nhưng vẫn là những cây nhãn quý để nhân giống

1.2. Thời vụ trồng
Cây nhãn có thể trồng quanh năm, trong đó thời gian trồng thích hợp nhất là vụ xuân (từ tháng 2 đến tháng 4) và vụ thu (từ tháng 8 đến tháng 10) .

1.3. Khoảng cách, mật độ
Tuỳ thuộc vào giống cây, độ màu mỡ của đất đai, điều kiện khí hậu cũng như khả năng thâm canh, mức độ đầu tư mà xác định mật độ trồng và khoảng cách trồng hợp lý. Với cây nhãn, mật độ trồng thích hợp là: 8m x 8m; 8m x 10m hoặc 10m x 10m. Để tăng hiệu quả sử dụng đất nên trồng xen các loại cây rau màu, cây họ đậu vừa cho thu hoạch, vừa giữ ẩm và tăng độ màu cho đất hoặc trồng thêm 1 cây vào giữa khoảng cách trên. Sau 7-10 năm, khi cây giao tán tiến hành cắt tỉa bỏ dần những cây ở giữa.

1.4. Chuẩn bị đất, hố trồng, phân bón lót
+ Bộ rễ nhãn có khả năng chịu nước kém, nếu bị ngập trong thời gian dài sẽ bị thối rễ và làm cho cây bị chết. Do đó, cần trồng nhãn trên cao, mô đất đắp hình tròn rộng, đường kính mô đất khoảng 1m, cao 50 – 60cm. Đặc biệt, ở một số vùng có địa hình thấp cần đào mương, lên luống. Tùy theo độ cao của vườn mà đào mương sâu hay cạn, luống rộng hay hẹp. Thường luống có chiều rộng 8m, mương rộng 1– 2m, sâu 1m. Cần chú ý làm bờ bao quanh, cống thoát nước cho nhãn trong mùa mưa lũ.
+ Cần đào hố với kích thước (dài x rộng x sâu) là 0,6m x 0,6m x 0,3m – 0,5m. Bón lót mỗi hố 25-50kg phân chuồng hoại mục + 0,5 kg NPK có hàm lượng đạm và lân cao điển hình là NPK Phú Mỹ 16-16-8+13S+TE và 0,1kg vôi bột. Hỗn hợp phân trộn đều với đất, phá thành hố sau đó cho hỗn hợp phân đất xuống hố, đắp ụ cao so với mặt đất 50 – 60cm. Trường hợp không có phân chuồng, có thể sử dụng phân lân vi sinh thay thế với lượng bón từ 10 – 15 kg/ hố. Đối với trường hợp trồng nhãn trên đất tận dụng (bờ mương, bờ máng…), cần đắp mô với bề mặt lớn hơn 1,5 m2 và cao hơn mực nước lúc cao nhất là 70 cm. Các công việc trên thực hiện xong trước 10 -15 ngày trồng cây nhãn.

1.5. Cách trồng
Đào hố nhỏ ở chính giữa ụ, đặt bầu vào vị tri giữa hố sao cho mặt bầu ngang với mặt ụ, dùng dao sắc rạch và bỏ túi nilon ngoài bầu, tháo bỏ gấy ghép quanh mắt ghép để tránh cho cây nhãn khỏi bị hiện tượng thắt và sùi thân, vun đất và nén chặt đất xung quanh bầu, ủ 1 lớp rơm rác hoặc cỏ khô quanh gốc, cắm cọc buộc cố định cây và tưới ngay sau khi trồng. Nếu thời tiết quá nắng nóng, cần cắm cọc che phủ phía trên cho cây để tránh nắng, tránh thoát hơi nước.

1.6. Chăm sóc cây nhãn giai đoạn kiến thiết cơ bản
Trong tuần đầu tiên, mỗi ngày tưới cho cây một lần vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối. Sau đó cách 2-3 ngày tưới cho cây một lần cho đến hết tháng đầu kể từ khi trồng cây. Khi cây đã hồi phục tưới thưa hơn, đảm bảo đất luôn luôn đủ độ ẩm .
Trong giai đoạn đầu, khi cây bắt đầu bén rễ, ngoài việc tưới thường xuyên giữ ẩm, nên sử dụng phân bón lá như Komix, Bayfolan, Thiên Nông… phun theo hướng dẫn sử dụng in trên bao bì, định kỳ 10-12 ngày một lần, có thể pha lẫn thuốc trừ sâu để giảm công. Trong thời gian cây chưa khép tán, nên trồng xen cây ngắn ngày như đậu, đỗ vừa cho thu hoạch, vừa giữ ẩm và làm tăng độ màu cho đất.
Cần bón phân qua gốc kết hợp phun phân qua lá khi cây ra đợt lộc để lộc phát triển tốt. Nên dùng phân NPK có hàm lượng N, P, K cao và có tỷ lệ cân bằng nhau: điển hình là NPK Phú Mỹ 15-15-15+TE+TE hoặc NPK Phú Mỹ 16-16-8+13S+TE để cây phát triển cân đối rễ, thân, cành lá. Dùng NPK Phú Mỹ 15-15-15+TE+TE thì lượng bón tăng dần theo năm, năm đầu tiên nên bón: 0,5 – 1 kg/cây/năm, năm thứ 2 là: 1-1,5 kg/cây/năm, năm trước khi cây đưa vào khai thác quả, lượng bón tăng lên 1,5-2 kg/cây/năm . Phân được chia và bón làm nhiều lần theo các đợt lộc theo cách rải phân trên mặt đất dưới hình chiếu tán cây sau đó lấp một lớp đất mỏng lên trên hoặc hoà phân vào nước tưới cho cây.

1.7. Tạo tán
Nhằm tạo cho cây nhãn có bộ tán thấp, hình mâm xôi, thuận lợi cho việc chăm bón, tỉa cành, phun thuốc và thu hoạch, khi cành ghép dài chừng 30 -40 cm nên bấm ngọn để định cành cấp 1 cho cây. Khi cành cấp 1 dài 30 – 40 cm lai bấm ngọn tiếp để tạo cành cấp 2, từ đây sẽ mọc ra cành cấp 3. Nên để 3-4 cành cấp 1; 6 -8 cành cấp 2 và 12 – 16 cành cấp 3.
Chú ý: chỉ để lại những mầm nẩy từ mắt ghép ra còn lại những mầm dưới mắt ghép đều phải cắt bỏ hết.

1.8. Phòng trừ sâu bệnh
Đối với những vườn mới trồng, sâu bệnh chính thường hại trên lá non, lộc non và gốc rễ. Thường gặp một số nhóm sâu bệnh sau đây:
 Nhóm sâu chích hút : như bọ xít, rầy, rệp, nhện đỏ, bọ trĩ…
 Nhóm sâu ăn lá : như sâu đo, sâu cuốn lá, câu cấu vòi voi…
 Bệnh hại lá ; xém mép lá, khô đầu lá, đốm lá, tổ rồng….
 Hại gốc rễ : nấm, bệnh thối rễ, mối, kiến, bọ cánh cứng…
Đối với sâu, bệnh trên lá phun thuốc hai lần cho mỗi đợt lộc, lần một khi cây bắt đầu phát lộc, lần hai khi lộc rộ có thể phun riêng hoặc phối hợp cả thuốc sâu và thuốc bệnh:
+ Trừ nhóm sâu chích hút bằng cách dùng một trong các thuốc : Sherpa (0,1 %), Actara 25WG, Karate 2.5EC, Pegasus 500SC.
+ Trừ nhóm sâu ăn lá bằng một trong các thuốc sau: Sherpa (0,1 %), polytrin (0,2 %), Virtako 40WG, Voliam Targo 063SC, decis (0,1 – 0,2 %), Sumicidin (0,1 – 0,2 %), Pegasus 500SC, Danitol (0,1- 0,2 %)…
+ Trừ nhóm bệnh : Ridomil Gold 68WG ( 0,2 %), Anvil 5SC (0,2 %), Bayfidan (0,2 %), Score 250EC (0,05 %), Aliette (0,3 %)…
+ Đối với kiến, mối, bọ cánh cứng hại rễ, gốc: sử dụng Basudin, Lindanfor, Sevidol… để trị. Nên trộn 1 thuốc + 10 cát, rắc xung quanh gốc và hố.

II. KỸ THUẬT THÂM CANH NHÃN
2.1. Thời gian trước ra hoa đến khi đậu quả non
2.1.1. Xử lý cho cây ra hoa:
Sự ra hoa của cây nhãn phụ thuộc vào chế độ chăm sóc và thời tiết. Mùa đông lạnh và khô hạn là điều kiện lý tưởng để cây ra hoa. Cây nhãn cần một thời gian nhiệt độ khoảng 8 – 15 độ để phân hóa mầm hoa, nhiệt độ thích hợp cho nhãn nở hoa, thụ phấn là 20 -27 độ. Mùa đông nóng, ẩm hoăc cây sung sức có khả năng phát lộc đông muộn hoặc lộc xuân sẽ không ra hoa. Để khắc phục mất mùa có thể xử lý cho nhãn ra hoa bằng cách đào chặn rễ, tiện cành, tưới thuốc:
a. Tiện cành kết hợp phun phân bón lá
Tiện cành nhằm ngăn cản sự vận chuyển các sản phẩm quang hợp từ lá xuống thân, rễ làm tăng tỉ lệ C/N, giúp cho cây phân hóa và hình thành mầm hoa. Biện pháp tiện cành phù hợp với hầu hết các giống nhãn và được áp dụng rất phổ biến để kích thích cho nhãn ra hoa. Tiện cành cần chú ý các yếu tố như giống, thời tiết, tình trạng sinh trưởng của cây, kỹ thuật và thời điểm.
Kỹ thuật tiện:
 Giống nhãn phát triển chậm, lâu liền da nên dùng lưỡi cưa hay dao,kéo có bề dày khoảng 2-3 mm tiện 1 vòng tròn khép kín làm đứt lớp vỏ bì, chạm tới tầng gỗ các cành cấp 1 hoặc cấp 2 (cành có đường kính 3 – 4 cm).
 Cây nhãn sung sức, phát triển mạnh, mau liền da nếu vết tiện nhỏ sẽ bị liền da trước khi nhãn ra hoa, nếu khoanh quá rộng lâu liền da làm quả bé và có nguy cơ chết cành, nên dùng lưỡi cưa hay kéo có bề dày khoảng 3-5 mm để tiện.
 Chỉ nên tiện khoảng 70 – 80% số cành, cần phải chừa “nhánh thở”, khoảng 20 – 30% số cành , tương ứng 20 – 30% diện tích tán lá để cung cấp chất đồng hóa nuôi rễ, nên để những cành có kích thước tương đối lớn và ở những vị trí thuận lợi cho sự quang hợp (cành trên đỉnh, đầu tán ).
Thời gian tiện:
 Theo tự nhiên, thông thường nhãn ra nụ vào tiết Lập xuân và nở hoa từ giữa tháng 3. Tiện cành trong thời gian từ trước đến sau Đông chí khoảng 10 -15 ngày nhãn sẽ ra nụ và nở hoa trong mùa xuân.
 Tiện các cây có bộ lá thuần thục, những cây đã ra lộc đông lá còn non không tiện ngay, chờ cho lá lộc sau khi đã chuyển màu xanh nhạt mới tiện ;

b. Tưới thuốc KCLO3 kết hợp phun phân bón lá:
 Tưới Chlorate Kali có hiệu quả đối với hầu hết các giống nhãn, trừ nhãn Khoái Châu. Hiệu quả của Chlorate Kali lên quá trình ra hoa trên cây nhãn phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của lá, lượng hóa chất, thời gian áp dụng và kết cấu đất. Liều lượng sử dụng của Chlorate Kali nguyên chất phụ thuộc vào kích thước tán, tuổi cây, sức sinh trưởng của cây và đất. Liều khuyến cáo chung là tư 5 – 10 g/m2 tán cây hoăc 60g / 1 cây đường kính tán 2m; 90g/ 1cây đường kính tán 3m và khoảng 120g/ 1 cây đường kính tán 4m trở lên.
 Lưu ý: Chlorate Kali nguyên chất dễ gây cháy nổ trong quá trình bảo quản, để đảm bảo an toàn nên sử dụng loại thuốc hoặc phân bón có chứa Chlorate Kali và căn cứ vào hàm lượng Chlorate Kali ghi trên bao, bì để xác định lượng thuốc hoặc phân bón chứa Chlorate Kali cần tưới. Nên tham khảo kinh nghiệm thực tiễn của những người đã thực hiện.
 Có thể kết hợp tiện cành 1 tuần sau tưới KCLO3 (với những cây quá xanh tốt) vì tiện cành không làm ảnh hưởng đến vận chuyển của Chlorate Kali, do cây vận chuyển từ rễ đến chồi thông qua mô gỗ
 Đối với cây không có lá lộc non, dọn sạch lá, cỏ xung quanh gốc, tưới nước trước khi xử lý 1-2 ngày để tạo độ ẩm cho gốc. Sau đó hoà tan thuốc vào nước, tưới đều xung quanh tán cây, tưới nước liên tục 7 ngày để giữ độ ẩm đất giúp thuốc ngấm đều vào vùng rễ, Thời gian tưới KCLO3 từ trước đến sau Đông chí khoảng 10 -15 ngày.
 Đối với cây ra lộc đông, chờ khi lá non chuyển sang màu xanh nõn chuối phun MKP nồng độ 0,5% (40g/8 lít nước) giúp cho lá già đồng loạt. Sau khi phun MKP từ 5 đến 7 ngày lá chuyển từ màu xanh nõn chuối sang màu xanh nhạt tưới thuốc KClO3.
 Sau khi tưới KClO3 được 5 ngày, có thể phun MKP nồng độ 0,75% (60g/8 lít nước) và 7 ngày sau lặp lại với nồng độ 0,5% để kích thích tạo mầm hoa.
*Chú ý:
– Tiện cành hoặc tưới thuốc sẽ làm tổn thương cành và rễ cây, sau khi cây ra hoa đậu quả non cần bón phân để cây hồi phục cành, rễ nuôi quả.
– Có thể không xử lý để cho cây ra hoa tự nhiên, chỉ xử lý những cây không ra hoa vào cuối tháng 2;
– Xử lý 2-3 năm sau đó 1 năm không xử lý để cho cây ra hoa tự nhiên, chỉ xử lý những cây không ra hoa vào cuối tháng 2.
– Có thể xử lý trước tiết Đông chí khoảng 2 tuần để thu hoạch nhãn sớm hoặc sau khoảng 2 tuần để thu hoạch nhãn muộn và chỉ xử lý khi cây có bộ lá thuần thục

2.1.2. Bón phân bổ sung
Trong thời gian từ tháng 10 dương lịch (tháng 9 Âm lịch) đối với nhãn sớm, chính vụ và từ tháng 11 đối với nhãn muộn đến khi xử lý cho cây ra hoa tuyệt đối không được tưới nước, bón phân, chỉ tỉa cành, tỉa mầm thông thoáng và phòng trừ sâu bệnh. Để kích thích chùm hoa phát triển và đậu quả tốt, giữa tháng 2 và cuối tháng 3, đầu tháng 4 cần bón NPK có hàm lượng đạm trung bình, lân cao và kali trung bình như NPK Phú Mỹ 15-15-15+TE và kết hợp phun phân bón lá có hàm lượng lân và Bo cao. Liều lượng phân bón NPK Phú Mỹ 15-15-15+TE cho cây nhãn đường kính tán 5-7m là khoảng 1-1,5 kg chia làm 2 lần, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày. Phân bón NPK được hoà vào nước tưới đều xung quanh tán cây hoặc rải đều quanh tán và lấp một lớp đất mỏng và tưới nước giữ ẩm. Những cây phát triển kém có thể sử dụng nước phân chuồng, đậu tương và ngô nghiền hoặc cá ngâm khoảng 3-4 tháng pha thêm lân để tưới cho cây từ 2-3 lần. Mỗi lần cách nhau 5-7 ngày. Với những cây phát triển mạnh, lá xanh tốt cần giảm hàm lượng đạm.
 Chú ý hiện tượng mưa a xít hại hoa, quả non
Trong thời gian mùa đông và mùa xuân ít có mưa rào và chỉ có mưa phùn, khả năng rửa trôi các khí độc trong không khí kém (C02, S02, S04, H2S,…) vì vậy thường có các cơn mưa mang nhiều tạp chất bẩn, trùng với thời gian nở hoa, đậu quả của cây nhãn, gây độc hại cho hoa và quả non, làm rụng hoa, rụng quả.
Cách phát hiện: Khi có mưa cần hứng nước bằng chậu sạch đặt ở vị trí cao. Nếu thấy nước có màu hanh vàng hoặc nâu đen, bẩn thì sử dụng giấy quỳ tím để xác định. Nếu quỳ tím chuyển sang màu đỏ là trong nước có tạp chất a xít. Có thể đổ một chén nước chè đặc vào chậu nước mưa, sau 5-10 phút nếu có nhiều tạp chất và a xít, nước mưa sẽ chuyển màu đen đục.
Khi xác nước mưa có tạp chất, a xít cần phun rửa bằng nước sạch ngay sau khi mưa cho toàn bộ tán cây và dùng cù nèo rung cành cây cho róc hết nước. Khi phun không xối thẳng nước vào chùm hoa, quả non.

2.1.3. Phòng trừ sâu bệnh hại chính.
a. Nấm, bệnh:
Trong vụ xuân, ẩm độ không khí cao các bệnh hại nhãn thường phát triển mạnh và làm cho hoa, quả non bị hỏng. Những bệnh thường gặp bao gồm:
* Bệnh sương mai:
 Thời gian gây hại: Chủ yếu trong thời gian ra hoa và quả non đến tháng 5-6.
 Thường ở chân giò hoa, quả hoặc cành, nhánh có các chấm đen, nâu đen nhỏ, sau lớn dần nối với nhau tạo ra các dạng không định hình có màu đen, hơi lõm, cành hoa héo rũ và ban đầu giống như ngâm trong nước sôi hoặc màu xanh tái. Trên quả bị bệnh đầu tiên biến màu sau đó chuyển màu nâu và rụng.
+ Phòng trừ: Sử dụng Ridomil Gold 68W hoặc Aliette… phun khi thấy bệnh xuất hiện. Để bảo vệ hoa nhãn cần phun hai lần: Lần 1 khi giò hoa bắt đầu nhú và lần 2 trước khi hoa nở 7-10 ngày, phun lại lần 3 khi tắt hoa.
* Bệnh thán thư:
+Thường phát triển và gây hại trên lá, lộc non, chùm hoa và quả. Trên lá bệnh gây hại từ mép lá, ban đầu xuất hiện các chấm nhỏ, sau đó liên kết thành các mảng lớn, xung quanh có đường viền màu nâu xẫm. Trên chồi non, ban đầu vết bệnh có dạng thấm nước sau chuyển màu nâu tối. Trên chùm hoa và quả non vết bệnh hơi lõm xuống dạng chấm đen làm cho hoa và quả chuyển sang màu đen rồi rụng.
+ Phòng trừ: Phun một trong các loại thuốc Ridomil Gold 68WG hoặc Amistar 250SC…
* Bệnh phấn trắng:
 Trong thời gian cây ra hoa, nhiệt độ ấm có thể gặp nấm phấn trắng hại hoa làm chùm hoa có các vết xám nhạt, trên vết có một lớp bụi phấn trắng, phát triển từ trên xuống chân giò hoa, chùm hoa hỏng có màu xám tro, mốc trắng.
+ Phòng trị: Sử dụng Anvil 5SC (0,2%) để phun: Lần 1 khi bệnh chớm phát; lần 2 sau lần 1: 5 ngày.
* Nấm bệnh hại rễ cây
Cây nhãn ngập nước lâu ngày hoặc đất thường xuyên ẩm ướt là điều kiện xuất hiện nấm bệnh làm cây bị vàng, rụng lá và chết. Dùng Ridomil Gold 68WG tưới hoặc rắc đều xung quanh tán, phủ một lớp đất mỏng lên lấp hết thuốc cho cây bị bệnh và các cây xung quanh liền kề.
b- Sâu hại hoa, quả non và lộc lá.
*Rệp hại:
 Rệp muội: Thường xuất hiện và gây hại trong thời gian cây nhãn ra lộc non, ra hoa, đậu quả non. Rệp chích hút dinh dưỡng ở lá và ở chùm hoa, quả.
 Rệp sáp: Cơ thể hình oval, có phân đốt rõ ràng và được bao phủ bằng lớp sáp bột, trứng được đẻ trong túi xốp. Rệp sáp phát triển mạnh giai đoạn cây có quả và gây hại bằng cách hút dinh dưỡng của cây .
 Rệp sáp ống: con cái nhỏ hình vảy, con đực được bao phủ bởi lớp sáp trắng hình ống, gây hại chủ yếu phần cành bánh tẻ và cũng chích hút dịch cây.
 Các loài rệp trên ngoài gây hại và hút dịch cây chúng còn là môi giới truyền một số bệnh và phân của chúng tạo điều kiện cho nấm than đen ( nấm muội đen ) phát triển phủ lên lá quả làm giảm khả năng quang hợp của lá và giảm giá trị thương phẩm của quả.
+ Phòng trừ: Khi xuất hiện cần sử dụng một trong các loại thuốc như: Actara 25WG 0,02% ( 2gam/10lít), Trebon (0,1-0,2%) lên phun hai lần: lần 1 khi phát hiện , lần 2 sau lần 1 khoảng 5 – 7 ngày. Cần pha thêm dầu khoáng DC tronplus hoặc chất bám dính Thiên nông đề phòng mưa rửa trôi và phải thay đổi, luân phiên các loại thuốc trên qua mỗi lần phun.
* Sâu đo xanh lớn:
Sâu non hình gậy, mới nở có màu xanh nhạt, sau đó chuyển sang màu vàng nâu, trên lưng có một vệt nâu chạy dọc cơ thể, khi không di chuyển chúng chỉ bám bằng 2 đôi chân sau, cơ thể dựng lên. Sâu non đẫy sức dài khoảng 3 – 4cm, thường bám sát nhánh hoa, màu sắc giống màu của hoa nhãn nên khó phát hiện.
Sâu ăn nụ, hoa, quả non, lá non. Nếu không phòng trừ kịp thời sâu ăn trụi các nhánh hoa, quả non khi chúng có mật độ cao, có thể phát hiện thấy rất nhiều sâu trên một chùm hoa, quả. Loài này thường gây hại phổ biến từ khi chùm hoa mới nhú đến khi đậu quả non.
+ Phòng trừ: Cần phun trừ bằng một trong các loại thuốc như: Virtako 40WG, Voliam Targo 063SC, Tasodant 0,2%, lên phun hai lần: lần 1 khi phát hiện , lần 2 sau lần 1 khoảng 5 – 7 ngày. Cần pha thêm dầu khoáng DC tronplus hoặc chất bám dính Thiên nông đề phòng mưa rửa trôi.
*Sâu đo ăn lá:
Mùa đông ấm sẽ tạo điều kiện cho sâu đo xuất hiện. Để tránh hại hoa, quả non nên dùng Sherpa và Trebon, phun với nồng độ theo khuyến cáo.
* Bọ xít nâu:
 Đặc điểm hình thái: con cái trưởng thành dài 24-27 mm, con đực nhỏ hơn, màu nâu vàng có hai mắt kép hình quả thận màu đỏ tím, mắt đơn màu đỏ, mảnh lưng ngực trước rộng. Con cái đẻ trứng thành ổ xếp thành hai hàng song song số lượng 12 – 14 quả. Bọ xít non mới nở có màu trắng ….sau đó chuyển dần sang màu nâu đỏ. Bọ xít trưởng thành qua đông tới tháng 3-4 năm sau đẻ trứng.
 Đặc điểm gây hại: cả bọ xít non và trưởng thành đều hút dinh dưỡng trên chồi, lá non và quả non, gây hại nặng trong vụ xuân hè
 Phòng trừ: Phun một trong các loại thuốc như Sherpa 0,1-0,15%, Sumi  0,1- 0,2% hoặc Fastac 0,1%, Karate 2.5EC…
* Rầy hại lá nhãn:
 Rầy chích hút nhựa gây hại lá non ở phần dưới lá làm cho vị trí hại nổi lên những u nhỏ, nốt sần ở mặt trên lá. Ngoài gây hại như chích hút nhựa, rầy còn là môi giới truyền bệnh
+ Cần phun phòng trừ một trong các loại thuốc như: Sutin, Actacra 25WG, Atmare … với nồng độ theo hướng dẫn trên nhãn mác.

Chú ý: Không sử dụng các thuốc Bi-58, Monitor, Basa,Wofatox và các loại thuốc của TQ chưa qua kiểm nghiệm,…lên hoa, quả non và thay đổi thuốc sau mỗi lần phun.

2.1.4. Sử dụng chất kích thích sinh trưởng.
a. Trước khi ra hoa.
Dùng Atonic hoặc kích thích tố Thiên nông (theo chỉ dẫn trên bao bì) phun cho giò hoa 2 lần: lần I khi giò hoa mới nhú; lần II trước khi hoa nở một tuần. có thể kết hợp phun thuốc sâu hoặc bệnh sương mai…
b. Khi cây nuôi quả non:
Phun Atonic hoặc kích phát tố thiên nông … với nồng độ theo chỉ dẫn trên bao bì để hạn chế rụng quả sinh lý.
Chú ý: Việc sử dụng các chất kích thích sinh trưởng cần tuân thủ theo chỉ dẫn, nếu phun quá liều lượng có thể gây sốc dẫn đến rụng hoa, quả, nếu phun không đủ liều lượng sẽ không có tác dụng.

2.2. GIAI ĐOẠN TỪ KHI ĐẬU QUẢ ĐẾN THU HOẠCH.
2.2.1. Bón phân qua rễ.
Lượng phân bón cần thiết phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng phát triển của cây và lượng quả trên cây. Với cây có đường kính tán 7-8m, năng suất dự kiến thu hoạch 1 tạ quả:
Dùng phân bón NPK có hàm lượng N và K cao như NPK Phú Mỹ 16-8-16+TE (hoặc 16-7-17+TE) cho hai giai đoạn:
 Sau đậu quả
 Tăng trưởng kích thước quả làm cùi.
Mỗi giai đoạn chia 2-3 lần bón, tuy tốn công nhưng đạt hiệu quả cao. Không nên bón quá nhiều cho 1 lần vì có thể sẽ làm ảnh hưởng đến bộ rể của cây . Mặt khác nếu bón tập trung 1 lần, cây không hấp thụ hết bị rửa trôi gây lãng phí.
+ Giai đoạn sau đậu quả ( tháng 5) bón NPK Phú Mỹ 16-8-16+TE (hoặc 16-7-17+TE) với lượng bón 1-1,5 kg/cây, chia đều làm 2 lần: lần 1 khi tỷ lệ đậu quả đạt 70-80%, lần 2 khi kích thước quả bằng hạt đậu đen. Phân được hoà nước tưới xung quanh tán hoặc rải đều quanh tán rồi lấp một lớp đất mỏng.
Giai đoạn tăng trưởng kích thước quả và làm cùi ( tháng 6 – tháng 7 ) dùng NPK Phú Mỹ 16-8-16+TE (hoặc 16-7-17+TE) với lượng bón 1-1,5 kg/cây chia đều làm 3 lần bón, lần 1: khi quả non có đường kính bằng hạt ngô (0,3-0,4 cm); lần 2 khi quả non có đường kính 0,5-0,7cm; lần 3 khi quả có đường kính 1-1,5 cm. Phân được hoà nước tưới xung quanh tán hoặc rải đều quanh tán rồi lấp một lớp đất mỏng.Phân bón NPK được hoà vào nước tưới đều xung quanh tán cây hoặc rải đều quanh tán và lấp một lớp đất mỏng và tưới nước giữ ẩm.
Trong khoảng thời gian giữa các lần bón NPK có thể dùng nước phân chuồng hoặc đậu tương và ngô nghiền hoặc cá ngâm khoảng 3-4 tháng pha thêm lân pha loãng tưới quanh gốc, định kỳ 7-10 ngày một lần. Trước khi thu hoạch khoảng 20-30 ngày cần bón bổ sung Kali làm tăng năng suất và chất lượng quả.
 Chú ý: Cần phải bón NPK cho cây theo các thời kỳ khác nhau để đạt năng suất chất lượng tốt nhất. Giai đoạn nuôi cành tạo tán bón loại NPK có tỷ lệ đạm cao, lân vừa phải, kali thấp đến khi cây phân hóa mầm hoa thì bón loại NPK có hàm lượng đạm trung bình, lân cao và kali trung bình. Giai đoạn nuôi quả thì bón loại phân NPK có tỷ lệ đạm và kali cao, tỷ lệ lân thấp. Giai đoạn sắp thu hoạch bón NPK có hàm lượng đạm thấp, kali cao
Tùy theo giai đoạn phát triển của cây cần bón bổ sung phân bón N,P,K đơn và các chất dinh dưỡng trung vi lượng để nâng cao năng suất, phẩm chất quả, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất thuận như: Canxi (CaO) giúp cải thiện điều chỉnh độ pH, tăng sức kháng bệnh ở rễ cây đồng thời là yếu tố giúp cho cây tổng hợp chuyển hóa dinh dưỡng về quả. Chất magiê (MgO) là chất thiết yếu giúp cây tạo diệp lục bón đầy đủ magiê làm tăng khả năng chống hạn, tăng sức đề kháng cho cây chống bệnh rám lá. Chất silic (SiO2) giúp cho cây tăng khả năng ôxi hóa, chống sâu bệnh, chống rệp, chống bệnh thối lá…

2.2.2. Bón phân qua lá:
Sử dụng một trong các loại phân bón: Komix, Bayfolan, Thiên nông,… phun lên lá, quả, lộc non theo chú dẫn trên bao bì. Phun định kỳ 10-12 ngày một lần. Có thể pha cùng với thuốc sâu, bệnh để giảm công phun thuốc. Phun NAA 0,025% (250ppm) để chống rụng quả khi quả bằng hạt đỗ xanh. Trước khi thu hoạch khoảng 20 ngày cần phun phân bón lá như Siêu kali…giúp tăng năng suât và chất lượng quả.

2.2.3. Tưới, tiêu nước:
Nếu bị khô hạn từ 5 ngày trở lên phải tưới nước và tủ gốc giữ ẩm. Nếu mưa to gây ngập úng cục bộ, cần phải phơi rãnh thoát nước. Nếu mưa dài ngày cần có biện pháp tiêu nước chủ động. Phải có biện pháp chuẩn bị để phòng chống gió to, bão.

2.2.4. Phòng trừ sâu bệnh.
 Đối với rệp, rầy: sử dụng Trebon 0,1%; Sherpa 0,1%.
 Bọ xít nâu, sâu mái chùa: Sherpa 0,1%; Shepzol 0,2%; Supracide 0,2%.
 Một số sâu ăn lá câu cấu, vòi voi, ban miêu: Padan 0,1%; Sherpa 0,1%; Polytrin 0,2%.
 Bệnh xém mep lá, khô đầu lá, đốm đen, đốm nâu, khô cành: Ridomi MZ (0,1-0,2%); Anvil (0,1-0,2%): Bayfidan (0,2%): Aliette (0,3%); Daconil (0,2%).

2.2.5- Thu hoạch quả nhãn
a. Thời điểm thu hoạch:
Thu hoạch khi vỏ quả chuyển từ màu nâu hơi xanh sang màu nâu vàng, vỏ quả xù xì hơi dày chuyển sang mỏng và nhẵn, quả mềm, cùi quả khô ráo có vị ngọt đậm và có hương thơm đặc trưng của quả nhãn, hạt có màu đen hoàn toàn (trừ giống có hạt màu đỏ) và độ Brix đạt 19 -21% tuỳ thuộc vào các giống khác nhau. Nhãn sử dụng cho chế biến có thể thu hoạch quả khi quả đạt 80-90%. Tuy nhiên không nên thu hoạch quả nhãn còn quá non, quả non hô hấp mạnh, nhiệt và hơi nước toả ra nhiều, dẫn đến bảo quản khó, chế biến sẽ không đủ chất lượng. Nếu thu quả nhãn quá già, quá thời gian chín (quá nước 3) chất lượng giảm, bảo quản sẽ nhanh bị hư hỏng, giảm hiệu quả kinh tế
b. Yêu cầu điều kiện ngoại cảnh khi thu hái:
Nên thu hoạch quả vào những ngày trời tạnh ráo, vào buổi sáng hoặc chiều, tránh thu hoạch vào giữa trưa khi trời quá nóng và khi trời mưa
c. Kỹ thuật thu hái:
 Đối với những cây nhãn sinh trưởng khoẻ hoặc đối với những giống chín sớm, cắt chùm quả có kèm theo một đoạn cành dưới chỗ có lá mọc sít nhau
 Đối với những cây nhãn có tình trạng sinh trưởng yếu hoặc đối với những giống chín muộn, nên cắt chùm quả không kèm theo lá của cành quả.
 Khi thu hoạch quả, cần sử dụng kéo để cắt chùm quả nhẹ nhàng, không gây bầm dập quả, tránh quăng quật làm xây xát, tổn thương cơ học huỷ hoại lớp màng bên ngoài vỏ quả, làm vỡ nát tế bào thịt quả, tạo điều kiện cho vi sinh vật dễ dàng xâm nhập vào bên trong quả, gây ra hư hỏng
d. Kỹ thuật bao gói và vận chuyển:
Quả sau khi thu hoạch được để nơi khô mát, đợi cho ráo nước trên bề mặt quả, xếp vào sọt có lót lá nhãn, lá chuối hoặc rơm rạ chuyển đến địa điểm tập trung. Khi xếp vào sọt chú ý để quả quay ra xung quanh thành sọt, cuống quả chụm vào giữa, xếp theo lớp, giữa sọt hình thành khe trống để thông khí, quả nhãn sẽ giữ được màu sắc tươi lâu hơn, hạn chế nứt, rụng và làm biến chất lượng và đổi màu sắc.

2.3- GIAI ĐOẠN SAU THU HOẠCH.
2.3.1. Tỉa cành, tạo tán, vệ sinh vườn:
 Việc cắt tỉa, vệ sinh vườn tạo cho cây có bộ tán thông thoáng, giảm khả năng trú ngụ của sâu bệnh, tập trung dinh dưỡng nuôi cành lộc thu. Loại bỏ các cành vô hiệu, cành gầm, cành vượt, cành sâu bệnh. Cắt tỉa nên được làm 2 đợt:
 Cuối tháng 8 đến nửa đầu tháng 9, ngay sau khi thu quả chủ yếu loại bỏ cành la, cành vượt, cành sâu bệnh, gom rác đốt hoặc chôn, quét vôi gốc, thân, cành.
 Từ cuối tháng 9 đến khi xử lý ra hoa chủ yếu tỉa lộc thu, chỉ để lại trên mỗi cành 1-2 lộc thu to, khoẻ số còn lại tỉa bỏ hết, để tập trung dinh dưỡng nuôi lộc.

2.3.2. Bón phân qua gốc và phun phân qua lá.
 Cần bón đủ phân qua gốc cho cây kịp khôi phục dinh dưỡng cho cây nhãn để bật lộc thu. Với các cây nhãn có đường kính tán khoảng 7-8m, cho thu hoạch trung bình khoảng 100 kg quả một năm, liều lượng cần bón cho mỗi cây 50-70 kg phân chuồng hoại mục, 1-2 kg NPK có hàm lượng N và P cao như NPK Phú Mỹ 16-16-8+13S+TE, tưới nước phân chuồng hoặc ngô, đậu tương ngâm lân pha loãng, bón đất phù sa, bùn ao để ải,…
 Đối với các cây không cho thu hoạch, có thể bón 0,5 kg NPK Phú Mỹ 16-16-8+13S+TE, lượng phân chuồng có thể giữ nguyên, nếu có điều kiện có thể bón thêm phù sa, bùn ao.
+ Phương pháp bón: Chiếu mép tán xuống đào rãnh rộng 40 cm X sâu 20 cm vòng quanh tán. Phân bón NPK được trộn đều với phân chuồng, rải xuống rãnh và lấp đất lại. Có thể hoà phân trong nước phân chuồng và tưới đều quanh tán. Đất phù sa, bùn ao có thể đổ một lớp dày 5-7 cm cách gốc 1m, bùn ao phải để ải, phơi khô đập nhỏ, bón như đất phù sa, không nên đổ một lúc quá nhiều và quá dầy.
+ Phân bón qua lá: được phun cho cây 3 lần. Lần I sau khi bón phân xong, để hỗ trợ cho lộc thu bật; lần II khi lộc thu dài 5 cm; lần 3 khi lộc thu chuyển bánh tẻ. có thể sử dụng các loại phân qua lá như: Bayfolan, Orgamin, Fabenla,Thiên nông (nồng độ, liều lượng theo chỉ dẫn trên bao bì).

2.3.3- Phòng trừ sâu bệnh hại.
Mục đích: bảo vệ lộc thu và giảm mật độ sâu bệnh hại qua đông, ngăn chặn từ xa khả năng phát dịch hại trong giai đoạn cây ra hoa và đậu quả non.
Đối tượng gây hại chính trên lộc thu là bọ xít, rầy, rệp, câu cấu, vòi voi, ban miêu, nhện… Có thể phun phòng trừ bằng một trong các loại thuốc: Sherpa (0,2%), Shezol (0,2%), Polytrin (0,2%), Trebon (0,2%), Supracide (0,2%)… Phun phòng 2 lần: Lần 1: khi cây nhú lộc; lần 2: khi lộc ra rộ và phun trừ khi phát hiện sâu, bệnh.
Các công việc chăm sóc nhãn kết thúc vào cuối tháng 10, không nên bón phân, tưới nước trong tháng 11, tháng 12, chỉ tỉa cành và phun thuốc sâu, bệnh nếu cần.

2.4- Giai đoạn từ tháng 11-12.
2.4.1. Cắt tỉa tạo tán.
 Đây là một biện pháp rất có ý nghĩa trong việc thâm canh cây nhãn. Việc cắt tỉa nhãn nhằm để thân cành lá trên cây nhãn phân bố đều, thông thoáng, tăng khả năng quang hợp, tập trung dinh dưỡng, giảm bớt mật độ sâu bệnh, ra hoa kết quả, cho năng suất cao.
 Phương pháp cắt tỉa chính là tỉa thưa và cắt bớt những cành mọc quá dày, mọc chồng nên nhau, cành bị bệnh, cành khô. Với những cành vượt cần hãm bớt tốc độ sinh trưởng thì cắt bớt phía ngọn cành. Trên những cành có lộc thu cần cắt tỉa chỉ để lại 1-2 lộc thu to, khoẻ, để tập trung dinh dưỡng nuôi lộc.
 Việc cắt tỉa nên tiến hành sau khi thu hoạch và cắt tỉa vào mùa đông trước lúc nảy cành xuân và ra hoa kết quả. Lúc này trên cây có nhiều lá già sắp rụng, lượng dinh dưỡng trên cây rất tập trung cho nên vào mùa đông nên cắt nhẹ, tập trung chủ yếu vào cắt tỉa lộc thu.
 Khi cắt tỉa cần chú ý: Cắt tỉa trong tán trước, sau đó mới ra ngoài tán, cắt cành lớn trước, cành bé sau, tránh tạo ra những mảng trống, làm sao cho sự phân bố cành trên tán cây thật đều. Vết cắt ngọt trơn, không gây sơ cành để tránh sự xâm nhiễm của sâu bệnh hại và nên cắt vào những ngày trời nắng.

2.4.2-Biện pháp khống chế cành lộc đông trên cây nhãn.
Lộc đông thường mọc từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau trên các cây mới trồng và những cây nhãn sinh trưởng khoẻ. Những cây già thường ít lộc đông. Lộc đông ra nhiều sẽ tiêu hao mất nhiều dinh dưỡng và ảnh hưởng đến việc phân hoá mầm hoa, năm sau sẽ ít quả. Nên khống chế cây ra lộc đông bằng cách hạn chế nước, chất dinh dưỡng và chất điều tiết sinh trưởng… Dừng toàn bộ các biện pháp chăm sóc như bón phân, tưới nước…
* Biện pháp xử lý lộc đông muộn và lộc xuân:
 Nếu gặp điều kiện thời tiết bất thuận như nhiệt độ và độ ẩm không khí cao cây vẫn cần phát lộc đông muộn cần áp dụng một trong các biện pháp sau:
 Khi lộc dài 5-6cm phun B9 hoặc Flower 94 pha 70-80g bình 16 lit, phun 2 lần, cách nhau 5-7 ngày, lộc đông bị héo, không chết nhưng không phát triển, sau đó phun phân bón lá kích phát tố hoa trái.
+ Phun Ethrel liều lượng 400-500 ppm hoặc Ethrell (C2H4) trong thuốc dấm quả T. quốc, liều lượng 3-4 lọ thuốc dấm quả (15-20ml) pha 15ml khi trời ấm, 20 ml khi trời lạnh với 10 lít nước làm thui rụng lộc non sau 10-15 ngày, không ảnh hưởng tới lá bánh tẻ trở lên, sau đó phun thuốc kích phát tố hoa trái Thiên nông 3 lần, cách nhau 8-10 ngày.
+ Phun Ra hoa xanh: pha 25ml Ra hoa xanh với 7-8 lít nước phun, sau khoảng 1 tuần lộc non thui rụng pha 25ml Ra hoa xanh + 10g Ra hoa bột với 8 lít nước phun để kích thích ra hoa.
+ Khi thấy nhú lộc đông muộn, cuốc làm đứt rễ cây ngoài khu vực hình chiếu của tán cây, cuốc sâu từ 20-30 cm, có thể đào một rãnh sâu 20-30 cm làm cho rễ đứt hẳn. Sau 1-2 tuần đất ở rãnh se và khô thì lấp đất lại như cũ, có thể dùng cưa tiện xung quanh phần vỏ cây ở cành cấp I hoặc cấp II. Chỉ chặt đứt rễ, khoanh vỏ với các cây khoẻ. Với các cây già yếu thì không nên áp dụng biện pháp này.

2.4.3-Phòng trừ sâu bệnh:
Mục đích: Bảo vệ lộc thu và diệt mầm mống sâu bệnh hại qua đông, ngăn chặn từ xa khả năng phát sinh thành dịch hại trong giai đoạn ra hoa.
* Đối với sâu ăn lá như câu cấu, ban miêu, sâu róm… dùng Sumicidin (0,2%), Sherpa (0,2%), Polytrin (0,2%)…. phun khi thấy sâu xuất hiện.
* Đối với nhóm sâu chích hút như: bọ trĩ, bọ xít, Rầy, Rệp dùng Trebon (0,2-0,3%); Sherpa (0,2%); Shepzol (0,2%);…
* Đối với nhóm Sâu đục nõn, đục thân: dùng Decis (0,2-0,3%), Sherpa (0,2-0,3%), Sumicindin (0,21-0,3%), Polytrin (0,2-0,3%)… làm hai đợt: đợt I khi nhú lộc, đợt II sau 2 tuần.
* Đối với sâu đục gân lá gây hại vào các đợt lộc. Sâu trưởng thành đẻ trừng, sâu non mới nở có kích thước rất nhỏ. chúng đục vào trong gân chính của lá và thải những hạt phân nhỏ ra ngoài lá, làm cho phần gân lá vàng và thối sau đó lá rụng.
Phun thuốc phòng trừ bằng một trong các loại thuốc như: Padan 95CE- 0,15% hoặc politrin 0,15-0,2%, regent 0,2%.
* Đối với bệnh đốm lá, xém mép lá, khô đầu lá: dùng VibenC (0,3%); Score (0,05%); Daconil (0,3%; Bavistin (0,3%)… để phun khi bắt đầu xuất hiện bệnh, lần hai phun cách lần đầu 2-3 tuần.
Trên đây là những nội dung chủ yếu về kỹ thuật trồng và chăm sóc nhãn lồng. trong quá trình thực hiện cần vận dụng cụ thể và sáng tạo trên cơ sở thực trạng, điều kiện thổ nhưỡng, nguồn phân bón hữu cơ, chủng loại thuốc và sự phát triển của cây nhãn cho phù hợp.

PHỤ LỤC
I. PHÂN BÓN
Phân bón là những chất được đưa vào đất để làm tăng độ phì nhiêu của đất làm thức ăn cho cây trồng, chúng chứa một hoặc nhiều chất dinh dưỡng cần thiết để cây trồng sinh trưởng và phát triển cho năng suất cao. Phân bón chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cây. Các chất dinh dưỡng trong phân bón dược chia thành 3 nhóm: đa lượng, trung lượng và nhóm nguyên tố vi lượng..
Theo FAO (Tổ chức lương thực LHQ): Phân bón làm tăng năng suất cây trồng từ 35- 45% và sử dụng phân bón là một nhu cầu thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp đạt năng suất, chất lượng cao.
Phân bón được chia làm 3 nhóm chính: phân hữu cơ, phân vô cơ (phân hóa học) và phân vi sinh, với sự khác biệt lớn giữa chúng là nguồn gốc, chứ không phải là những sự khác biệt trong thành phần dinh dưỡng.
• Đa – Trung – Vi lượng là từ viết tắt của 3 cụm từ: dinh dưỡng Đa lượng, dinh dưỡng Trung lượng và dinh dưỡng Vi lượng.
• Dinh dưỡng Đa lượng là dinh dưỡng chính, cần thiết gồm những chất mà cây cần để phát triển, nhóm này gồm có 3 thành phần chính là: Đạm (N), Lân (P) và Kali (K).
• Dinh dưỡng Trung lượng là nhóm mà cây cần một lượng vừa phải, là dinh dưỡng quan trọng thứ hai giúp cho cây phát triển tốt hơn. Nhóm này gồm: Calci (ca), Ma nhê (Mg) và Lưu Huỳnh (S).
• Dinh dưỡng Vi lượng là những chất mà cây cần một lượng nhỏ để giúp cho cây tăng năng suất cao hơn, quả to hơn, hoa đẹp hơn. Nhóm này gồm: Sắt (Fe), Đồng (Cu), Măng gan (Mn), Bor (B), Molypden (Mo) …
– Phân đạm: Phân đạm giúp cây sinh trưởng, phát triển, đâm chồi, nẩy lộc…. Nếu thiếu phân đạm, cây sẽ phat lộc chậm và còi cọc, làm giảm năng suất, nhưng bón thừa phân đạm, sẽ làm cho cây có nhiều cành lá sum suê, dễ bị sâu bệnh … làm giảm chất lượng, tăng tỷ lệ hao hụt, thất thoát.
– Phân lân: Lân cần thiết trong việc giúp cây ra rễ, đâm chồi, phân hoá mầm hoa. Nếu thiếu lân, cây sẽ còi cọc, ít lộc, khó ra hoa, đậu trái…
– Phân kali: Tăng cường vận chuyển dinh dưỡng, tăng tính chống chịu của cây đối với điều kiện bất lợi, giúp lộc mau thuần thục, dễ ra hoa, kali giúp tăng phẩm chất quả …
• Bón phân: Cây nhãn hàng năm tiêu thụ dinh dưỡng sẽ làm cho đất bị kiệt màu, mất dần chất dinh dưỡng, cằn cỗi dần và không cung cấp đủ được dinh dưỡng cho cây trồng sinh trưởng, phát triển. Vì vậy cần phải thường xuyên bổ sung chất dinh dưỡng cho đất bằng cách bón phân.
* Lượng phân bón theo tuổi cây nhãn

* Thời gian bón: 3 – 5 lần bón/năm

* Chú ý:
Cây nhãn có yêu cầu đối với các chất dinh dưỡng ở những lượng nhất định với những tỷ lệ nhất định giữa các chất. Thiếu hay thừa một chất dinh dưỡng nào đó, cây sinh trưởng và phát triển kém. Các nguyên tố dinh dưỡng không chỉ tác động trực tiếp lên cây mà còn có ảnh hưởng qua lại trong việc phát huy hoặc hạn chế tác dụng của nhau. Vì vậy nên bón phân tổng hợp NPK có chứa các dinh dưỡng đa, trung, vi lượng hợp lý.
Theo phản ánh kinh nghiệm của đa số các nhà vườn thâm canh nhãn đạt hiệu quả cao, nên sử dụng NPK Phú Mỹ 15-15-15+TE cho giai đoạn thúc lộc và giai đoạn thúc hoa và NPK Phú Mỹ 16-8-16+TE (hoặc 16-7-17+TE) cho giai đoạn nuôi quả non và giai đoạn sắp thu hoạch. (Ký hiệu TE -Trace Element kèm với tên phân là chỉ các chất trung, vi lượng).Hạn chế và chỉ sử dụng phân đơn khi cần thiết như khi thúc lộc thì bón thêm đạm và khi sắp thu hoạch bón bổ sung Kali…
Bảng trên tổng hợp nhu cầu phân bón theo dạng phân đơn, để xác định nhu cầu phân bón tổng hợp NPK cần lưu ý: Trên thị trường hiện nay phân đạm ure N thường chiếm khoảng 44-48% ( 1kg ure có 0,44-0,48 kg N); Supe lân chưá khoảng 16-20% P (1kg Supe lân có 0,16-0,2 kg P) và Kaliclorua có hàm lượng K khoảng 50-60% (1kg Kaliclorua có 0,5-0,6 kg K). Từ nhu cầu phân bón đạm ure, supe lân và kaliclorua trong bảng, xác định nhu cầu N,P,K nguyên chất và dựa vào tỷ lệ N,P,K của từng loại phân bón tổng hợp để xác định lượng phân NPK bón cho cả năm và từng thời kỳ.
* Cách bón:
 Phân chuồng: Cuốc rãnh xung quanh tán cây sâu 20cm, rộng 30cm và bón phân sau đó lấp đất lên, có thể bón kết hợp với đạm, lân và kali.
 Phân đạm, lân và kali: Nên sử dụng phân bón NPK, hòa nước tưới hoặc xới nhẹ đất, bón phân và lấp đất lại, sau khi bón phải tưới nước ẩm.
 Nên thực hiện 4-5 lần bón chính: Sau thu hoạch, thúc hoa, giai đoạn nuôi quả và trước khi thu hoạch.
+ Sau thu hoạch: Là giai đoạn cây cần nhiều đạm và lân để ra rễ, đâm chồi. Cung cấp đủ đạm và lân sẽ giúp cây cho nhiều lộc, lộc mập, khỏe….Nên bón trước hoặc sau khi tỉa cành và khi lộc thu đợt 1 đã chuyển màu xanh.
+ Trước khi xử lý ra hoa: Cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, giúp cây thật sung tốt để cho cây phát hoa dài, khoẻ mạnh, dễ ra hoa, đậu trái. Cần bón phân lân và kali, giảm phân đạm. Nếu bón thừa đạm sẽ làm cho cây ra lộc, khó ra hoa. Khi xử lý ra hoa chỉ bón kali.
+ Giai đoạn cây nuôi quả cần nhiều đạm để giúp quả phát triển, đồng thời cần kali để tăng cường vận chuyển dinh dưỡng nuôi quả, nâng cao năng suất, chất lượng . Khi quả nhỏ bòn nhiều đạm, ít kali; khi quả to giảm đạm, tăng kali.
+ Trước khi thu hoạch: Khoảng 1 tháng trước khi thu hoạch bón bổ sung kali để giúp tăng năng suất,chất lượng, sáng màu quả. Có thể phun phân kali qua lá.
+ Cần bón theo tán cây, cách gốc từ 1-1,5 m vì rễ ở gần gốc khả năng hấp thu dinh dưỡng kém, chi rễ tơ ở bên ngoài mới hút dinh dưỡng tốt nhất.
+ Lưu ý: không có phương pháp nào xác định chính xác nhu cầu lượng phân bón bằng việc quan sát màu sắc lá cây:
1- Đạm (N)
 Khi thiếu: cành lá sinh trưởng kém, lá non nhỏ, lá già dễ bị rụng, bộ rễ ít phát triển,năng suất kém…
 Khi dư: cây sinh trưởng rất mạnh, lá to, tán lá rườm rà, mềm yếu, dễ đỗ ngã, sâu bệnh dễ phá hại…
2-Lân (P)
 Khi thiếu: rễ phát triễn kém, lá mỏng có thể chuyển màu tím đỏ, ảnh hưởng tới việc ra hoa của cây, quả thường có vỏ dày, xốp …
3-Kali (K)
 Khi thiếu, ban đầu đỉnh lá già bị cháy, thiếu nặng phần lớn lá bị cháy và rụng.
4-Canxi (Ca):
 Khi thiếu: Lá và lộc non dễ bị cong queo và nhỏ, mép lá không đều, hay có hiện tượng chồi chết ngọn, rễ đình trệ sinh trưởng và thường bị thối…

II. MỘT SỐ LOẠI SÂU BÊNH CHÍNH
I/ Sâu hại.
1. Bọ xít nâu
+ Đặc điểm hình thái: con trưởng thành cái dài 24-27mm, con đực nhỏ hơn, màu nâu vàng có hai mắt kép hình quả thận màu đỏ tím, mắt đơn màu đỏ, mảnh lưng ngực trước rộng. con cái đẻ trứng thành ổ xếp thành hai hàng song song số lượng 12 hoặc 14 quả. Bọ xít non mới nở có màu trắng, hồng sau đó chuyển dần sang màu nâu đỏ. Bọ xít trưởng thành mỗi năm chỉ đẻ một lứa vào khoảng tháng 3-4.
+ Đặc điểm gây hại: Gây hại nặng trong vụ xuân hè, cả bọ xít non và trưởng thành đều hút dinh dưỡng của cây, nếu hại ở phần quả sẽ làm quả bị rụng.
+ Phòng trừ: Khi bọ xít non xuất hiện cần phun trừ bằng các thuốc như Sherpa 0,1-0,15%, sumi  0,1- 0,2% hoặc Fastac 0,1%.
2. Rệp muội:
Thường gây hại giai đoạn cây ra hoa, chích hút dịch cây ở phần chùm hoa.
3. Rệp sáp, rệp sáp bột.
Cơ thể oval, có phân đốt rõ ràng và được bao phủ bằng lớp sáp bột, trứng được đẻ trong túi xốp. rệp sáp phát triển mạnh giai đoạn cây có quă và gây hại bằng cách hút nhựa luyện của cây .
4. Rệp ồng: Con cái nhỏ hình váy, con đực được bao phủ bởi lớp sáp trắng hình ống, gây hại chủ yếu phần cành, cây bánh tẻ và cũng chích hút dịch cây.
Các loài rệp trên ngoài gây hại và hút dịch cây chúng còn là một giới truyền một số bệnh víut hoặc mycoplasma và phân thải ra của chúng tạo điều kiện cho nấm than đen phát triển phủ lên lá quả làm giảm khả năng quan hợp của lá và giảm giá trị thương phẩm của quả.
+ Phòng trừ: Khi xuất hiện cần phun trừ bằng một trong các loại thuốc như: Supracide, Suprathion – 0,2%, Actara 0,02% hoặc Fastac 0,1% có thể pha thêm dầu khoảng DC tronplus hoặc chất bám dính và phải thay đổi thuốc sau mỗi lần phun.
5. Bọ trĩ
 Đặc điểm cơ thể rất nhỏ màu trắng vàng, sống ở phần lộc non, mặt dưới của lá non, bọ trĩ thường đẻ trứng trong mô lá.
 Đặc điểm gây hại: Bọ trĩ gây hại chủ yếu ở giai đoạn cây ra lộc non, làm cho lá non xoăn lại, lá vàng ra, mật độ cao làm rụng hoa, quả.
+ Phòng trừ: khi xuất hiện cần phòng trừ bằng một trong các loại thuốc: Lanrate 40Sp; Sumi  5Ec; Fastac 5EC; On col 20ND….
6. Nhện vàng:
Đặc điểm: chủ yếu gây hại lá non, phần dưới lá làm cho vị trí hại nổi lên những u nhỏ ở mặt trên lá. Nhện gây hại chích hút nhựa và là môi giới truyền bệnh
Phòng trừ: Cần phòng trừ bằng cách phun một trong các loại thuốc như: Pegasus, Daniton hoặc Ortus…theo hướng dẫn trên nhãn mác.
7. Sâu đục gân lá: Đặc điểm trưởng thành đẻ trứng, sâu non nở đục trong gân lá, làm cho phần gân lá vàng và thối sau đó là bị rụng.
Phòng trừ: phun một trong các loại thuốc sau: Padan 95CE- 0,15% hoặc palitrin 0,15-0,2%, regent 0,2%…
8. Sâu tiện vỏ
Đặc điểm gây hại: Sâu non gây hại chủ yếu giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 8. Sâu trưởng thành đẻ trứng ở những khe kẽ trên cành, thân bánh tẻ, sau đó sâu non nở và tiện xung quanh thân ăn phần vỏ cây, cành và thải ra những mạt gỗ như mùn cưa, làm cây bị vàng lá dần, nếu phần vỏ bị hại nhiều sẽ chết cây hoặc cành.
Phòng trừ: tháng 2-3 quét nước vôi đặc lên thân, cành bánh tẻ cách mặt đất 1m, để tránh sâu trưởng thành đẻ trứng.
Khi thấy triệu trứng tiện vỏ cần bắt sâu hoặc dùng xilanh bơm thuốc diệt sâu như: Sherpa hoặc Cyperkill.
9. Xén tóc đục thân cành.
Đặc điểm gây hại: xén tóc trưởng thành đẻ trứng vào những nơi thích hợp trên thân cành sau đó sâu non nở ra và đục thân, cành phan thải ra như hạt gỗ, hạt tấm. Xén tóc gây hại chủ yếu từ tháng 4 đến tháng 8 trong năm.
Phòng trừ: Vệ sinh và tỉa cành vô hiệu tạo độ thông thoáng để hạn chế việc xén tóc trú ngụ và đẻ trứng đồng thời quét nước vôi đặc vào thân cây hạn chế vị trí thích hợp để xén tóc đẻ trứng.
Nếu thấy dấu hiệu gây hại của ấu trùng ta cần phòng trừ bằng cách dùng xi lanh bơm thuốc vào lỗ sâu đục thân sau đó lấy đất dẻo bịt lỗ. Sử dụng thuốc: Sherpa hoặc Afperkill…
* Các đối tượng khác như sâu ăn lá: Sâu đo, bọ cánh cứng, sâu róm, sâu kèn,…
Sâu đục đầu quả, dòi đục quả,…
Phòng trừ: dùng các loại thuốc: Lannate, politrin.

II/ Một số bệnh hại nhãn.
1. Bệnh sương mai:
Bệnh gây hại trên lá, chồi, hoa quả, ban đầu có hiện tượng héo, rũ như bị ngâm nước sôi, màu xanh tái, bệnh phát triển mạnh lá non và chồi thối nhũn, trên bề mặt xuất hiện lớp mốc trắng bao phủ. trên quả bị bệnh biến thành màu nâu và rụng. Bệnh phát triển mạnh từ tháng 2 đến tháng 5.
Phòng trừ: phun phòng có hiệu quả cao hơn trừ, bằng một trong các loại thuốc như: Ridomil Gold 68WG 0,2-0,3%; Amistar 250SC Alette 0,15% . Nên phun phòng bênh khi nhãn ra nụ và trước khi nở hoa. Cần phun trừ khi bệnh chớm xuất hiện
2. Bệnh thán thư:
Trên giò hoa, quả lúc đầu vết bệnh có màu vân, sau đó cành khô làm bệnh hơi lõm xuống. Gặp điều kiện thời tiết ẩm cũng xuất hiện lớp mốc trắng.Trên quả: khi mới xuất hiện có màu xám sau chuyển thành màu nâu và sau đó khô rồi rụng.
Phòng trừ: khi bệnh chớm xuất hiện cần phun phòng bằng các thuốc:Benlat, Carbenzin hoặc bavistin.
3. Bệnh khô hoa, quả:
Khi cành hoa bị bệnh sẽ chuyển sang màu nâu, sau đó cành khô tóp lại, hoa không thu phấn và rụng. Trên quả non cũng bị bệnh này quả khô, không rụng.
Phòng trừ: Phun phòng khi bắt đầu có chồi hoa và khi quả bằng hạt đỗ; phun trừ khi bệnh chớm xuất hiện bằng một trong các loại thuốc như: Score, Rovral…
4. Bệnh muội đen do nấm:
Bệnh xuất hiện là những đám màu đen bao phủ. Bệnh phát triển mạnh khi rệp xuất hiện nhiều và trồi khô hại.
Phòng trừ: phun trừ rệp bằng các thuốc đặc trị rệp.
5. Bệnh chổi rồng (tổ rệp)
Thường xuyên xuất hiện trên chồi non, chùm hoa, khi bị bệnh chùm hoa phân nhánh nhiều, hoa không thụ phấn được.
Phòng trừ: Đốn sâu cành bị bệnh.
Phòng trừ môi giới truyền bệnh ( nhóm rệp, bọ trĩ).
Không dùng cây bị bệnh này làm giống.
6. Bệnh chết cây: Những cây bị bệnh là những cây bị héo xun rồi chết cây. Cây bị rễ cây thâm đen, lớp vỏ ngoài rễ bị tuốt.
Nhiễm do nấm gồm: Fuarium, Clasdosporium, Phytopthera.
Những vùng có mực nước ngầm cao thì bị bệnh nhiều hơn, hoặc do vun gốc quá cao dẫn đến nghẹt rể:
Phòng trừ: Phát hiện sớm bệnh dùng thuốc Bavistin hoặc corbanzin để tưới và phải khai rãnh để vườn nhãn thoát nước thuân lợi.

Lưu ý: Mỗi loại sâu, bệnh có nhiều loại thuốc phòng trừ với tên gọi khác nhau, khi sử dụng các loại thuốc BVTV cần thay đổi sau mỗi lần phun để hạn chế tình trạng nhờn thuốc

Tiến sĩ Ngô Hùng Mạnh
Nguyên Tỉnh ủy viên – GĐ sở KH&CN
Chủ tịch Hội nhãn lồng tỉnh Hưng yên

Chưa có bình luận nào

Tin khác đã đăng