TỔNG KẾT ĐỀ TÀI ỨNG DỤNG PHÂN BÓN PHÚ MỸ TRONG PHÁT TRIỂN CÂY NHÃN VÀ CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHUỖI GIÁ TRỊ NHÃN LỒNG HƯNG YÊN



Năm 2018 -2019 Được sự quan tâm hỗ trợ của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Hội Nhãn lồng tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với các cá nhân, đơn vị liên quan và Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm T.phố Hồ Chí Minh thực hiện Đề tài với các nội dung:Điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng về diện tích, năng suất, sản lượng, cơ cấu giống, quy trình canh tác và chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nhãn lồng tại Hưng Yên; Tập huấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh nhãn; Xây dựng 6 mô hình thâm canh Nhãn sử dụng phân bón Phú Mỹ; Nghiên cứu Quy trình công nghệ chế biến Chè long nhãn hạt sen và Trà long nhãn hoa cúc; Đề xuất các giải pháp đồng bộ nâng cao chuỗi giá trị của nhãn lồng Hưng Yên.

Phần I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Cây nhãn có tên khoa học là Euphoria Longana, là loại cây dễ trồng thích ứng rộng. Nhãn lồng Hưng Yên được mệnh danh là “nhãn tiến vua” vì chất lượng thơm ngon, và không nơi nào ở Việt Nam có điều kiện thổ dưỡng để cho ra một loại nhãn lồng đặc biệt như thế. Năm 2018 tổng diện tích trồng nhãn của tỉnh là 4.469,18 ha, sản lượng quả nhãn tươi  đạt 42,3 ngàn tấn.

Là cây trồng đặc sản tại tỉnh Hưng Yên, cây Nhãn mang lại hiệu quả kinh tế cao và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân. Với trình độ dân trí khá và được sự hỗ trợ của các đơn vị quản lý, khoa học, doanh nghiệp,… có thể nói đa số người trồng nhãn tại Hưng Yên đã hiểu biết những nội dung cơ bản của Quy trình kỹ thuật trồng và thâm canh cây nhãn. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, cây nhãn có cơ cấu giống rất đa dạng, quy trình kỹ thuật thâm canh chưa được thực hiện đồng bộ ở các hộ dân, đặc biệt là việc bảo quản, xử lý sau thu hoạch, chế biến đa dạng hoá sản phẩm còn rất hạn chế, việc nâng cao chuỗi giá trị chưa tương xứng với thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên. Mặt khác, với sự phát triển của khoa học công nghệ, có rất nhiều lĩnh vực kỹ thuật được thường xuyên cải tiến, hoàn thiện trong đó có lĩnh vực phân bón sử dụng cho cây nhãn.

Trong các loại phân bón hiện sử dụng, phân bón Phú Mỹ được cho là có hiệu quả cao đối với nhiều loại cây trồng. Để góp phần đánh giá hiệu quả của việc sử dụng phân bón Phú Mỹ cho sự sinh trưởng, phát triển của cây nhãn, cũng như quản lý và phát triển thương hiệu Nhãn lồng tại Hưng Yên, được sự quan tâm hỗ trợ của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Hội Nhãn lồng tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Trung tâm tư vấn, ứng dụng, phát triển khoa học nông nghiệp và môi trường, Trường Đại học công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài: “Ứng dụng phân bón Phú Mỹ trong phát triển cây nhãn và các giải pháp nâng cao chuỗi giá trị nhãn lồng Hưng Yên”. Báo cáo tổng kết Đề tài sẽ tổng hợp, phân tích, đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất các giải pháp tiếp theo nhằm phát triển nhãn lồng HY một cách hiệu quả và bền vững đồng thời định hướng cho người trồng nhãn sử dụng phân bón Phú Mỹ trong quá trình canh tác để mang lại hiệu quả cao trong quá trình thâm canh.

1.1. Mục tiêu của đề tài

– Đánh giá hiện trạng về diện tích, năng suất, sản lượng, cơ cấu giống, quy trình canh tác và chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nhãn lồng tại Hưng Yên;

– Xây dựng các mô hình sử dụng phân bón Phú Mỹ thâm canh nhãn và đánh giá được hiệu quả của các công thức phân bón Phú Mỹ tới sinh trưởng và phát triển của cây nhãn;

– Nâng cao nhận thức của người dân về quy trình sản xuất nhãn an toàn, quản lý và phát triển thương hiệu nhãn lồng tại Hưng Yên;

– Đa dạng hóa các sản phẩm từ Nhãn đáp ứng thị trường góp phần tiêu thụ và nâng cao hiệu quả kinh tế;

– Đề xuất các giải pháp đồng bộ để đạt được mục đích trước mắt và lâu dài nâng cao chuỗi giá trị nhãn lồng Hưng Yên.

1.2. Nội dung của đề tài

– Nội dung 1. Điều tra, đánh giá hiện trạng về diện tích, năng suất, sản lượng, cơ cấu giống, quy trình canh tác và chế biến, bảo quàn, tiêu thụ sản phẩm nhãn lồng tại Hưng Yên;

– Nội dung 2. Xây dựng 6 mô hình thâm canh Nhãn sử dụng phân bón Phú Mỹ tại 6 huyện, thành phố thuộc tỉnh Hưng Yên,  quy mô 0,5 ha/mô hình;

– Nội dung 3. Tập huấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh nhãn;

– Nội dung 4. Nghiên cứu 2 quy trình công nghệ chế biến thực phẩm từ nguyên liệu long nhãn;

– Nội dung 5. Đề xuất các giải pháp đồng bộ nâng cao chuỗi giá trị của nhãn lồng Hưng Yên.

Phần II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ TÀI

2.1. Nội dung 1. Điều tra, đánh giá hiện trạng về diện tích, năng suất, sản lượng, cơ cấu giống, quy trình canh tác và chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nhãn lồng tại Hưng Yên, đánh giá thực trạng tiêu thụ sản phẩm, chuỗi giá trị của nhãn lồng Hưng Yên:

+ Xây dựng Kế hoạch triển khai, Lập phương án điều tra và Xây dựng phiếu điều tra:  . Tháng 3-4/2019 đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đ tài với các nội dung công việc với thời gian cụ thể, Lập Phương án điều tra, Mẫu phiếu điều tra và in 150 Phiếu điều tra chủ hộ với hơn 50 chỉ tiêu và 50 Phiếu phỏng vấn cán bộ quản lý với hơn 50 chỉ tiêu, 4 trang khổ A4/ phiếu

+ Khảo sát 6 huyện, thành phố Hưng Yên: Đã khảo sát huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Ân Thi, Phù Cừ và Thành phố, lựa chọn 6 xã, mỗi xã chọn 50 người tham gia tập huấn kỹ thuật, 20 chủ hộ và 5 cán bộ quản lý tham gia phỏng vấn và 1 hộ thực hiện mô hình sử dụng phân bón Phú Mỹ thâm canh nhãn

+ Đã tổ chức hôi thảo phương pháp phỏng vấn và triển khai Kế hoạch thực hiện các nội dung DA

+ Tháng 5/2019 tiến hành điều tra theo phiếu tại các xã trồng Nhãn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Thu thập các thông tin theo phiếu điều tra, tiến hành phỏng vấn nông hộ, Đã thực hiện điều tra, phỏng vấn 6/6 xã ( 120/120 phiếu phỏng vấn chủ hộ và 31/30 phiếu phỏng vấn cán bộ ). Trao đổi xin ý kiến các chuyên gia, cán bộ chỉ đạo kỹ thuật trồng trọt tại cơ sở, tham khảo tài liệu liên quan tại Phòng NN&PTNT, Trạm BVTV, Trạm Khuyến nông và Sở NN&PTNT,… Thu thập các tư liệu, số liệu về diện tích, năng suất, sản lương, giá trị sản xuât và các số liệu có liên quan giai đoạn 2006-2018 chi tiết của từng huyện, thành phố và toàn tỉnh tại Cuc Thống kê tỉnh và các tài liệu khác

+ Tổng hợp phiếu điều tra, tham khảo các tài liệu nghiên cứu đã có, viết 2 Báo cáo chuyên đề: Hiện trạng về diện tích, năng suất, sản lượng, cơ cấu giống, quy trình canh tác và chuyên đề về Thu hoạch, chế biến, bảo quàn, tiêu thụ sản phẩm nhãn lồng tại Hưng Yên.

– Kết quả nội dung 1:

+ Đã hoàn thành tốt nhiệm vụ điều tra, phỏng vấn, tổng hợp phiếu điều tra, sưu tầm các tư liệu, số liệu liên quan đến tình hình phát triển nhãn lồng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

+ Hoàn thành Báo cáo chuyên đề: Đánh giá hiện trạng về diện tích, năng suất, sản lượng, cơ cấu giống, quy trình canh tác nhàn lồng Hưng Yên

+ Hoàn thành Báo cáo chuyên đề: Thực trạng thu hoạch và chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nhãn lồng tại Hưng Yên.

Có các bảng tổng hợp kết quả điều tra và 2 Báo cáo chuyên đề kèm theo

2.2. Nội dung 2. Xây dựng 06 mô hình thâm canh Nhãn sử dụng phân bón Phú Mỹ

            – Địa điểm thực hiện: Tại 6 huyên, thành phố thuộc tỉnh Hưng Yên, mỗi huyện, thành phố 1 mô hình. Trong 06 mô hình đa dạng về trình độ, có 2 chủ mô hình có trình độ thâm canh cao, 2 chủ mô hình có trình độ thâm canh khá và 2 chủ mô hình có trình độ thâm canh trung bình với quy mô trung bình 0,5 ha/mô hình. Cụ thể như sau:

  1. Vườn nhãn nhà ông Nguyễn Văn Thế, xã Hàm Tử huyện Khoái Châu;
  2. Vườn nhãn nhà ông Trần Văn Mý, xã Tân Hưng, Thành phố Hưng Yên
  3. Vườn nhãn nhà ông Nguyễn Công Hoan, xã Vĩnh Xá, huyện Kim Động;
  4. Vườn nhãn nhà ông Trần Văn Hương, xã Đa Lộc, huyện Ân Thi;
  5. Vườn nhãn nhà ông Nguyễn Mạnh Hà, xã Minh Phượng, huyện Tiên Lữ;
  6. Vườn nhãn nhà bà Nguyễn Thị Chiên, xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ;

– Mô hình được chọn trên các vườn nhãn ở thời kỳ ổn định năng suất, trên giống đang được trồng phổ biến tại địa phương, vườn cây có khả năng sinh trưởng khỏe, không bị các đối tượng sâu bệnh nguy hiểm gây hại. Điều kiện đất trồng đảm bảo tính đại diện cho điều kiện đất của vùng trồng.

– Xây dựng Q. trình kỹ thuật:

+ Đã soạn thảo và in tài liệu” Quy trình kỹ thuật sử dụng Phân bón Phú Mỹ thâm canh nhãn “

+ Đã soạn thảo và in tài liệu” Quy trình kỹ thuật nhân giống  nhãn “

– Ngày 17/5 đã tập huấnkỹ thuật, triển khai mô hình với sự tham gia của 6 chủ hộ thực hiện mô hình. Tiến sĩ Ngô Hùng Mạnh Chủ tịch Hội Nhãn lồng tỉnh Hưng yên và Kỹ sư Đỗ Văn Đương cán bộ kỹ thuật Trung tâm ứng dụng Tiến bộ KH&CN thuộc Sở KH&CN tỉnh Hưng yên đã phổ biến, hướng dẫn ” Quy trình kỹ thuật sử dụng Phân bón Phú Mỹ thâm canh nhãn “ , giải đáp các câu hỏi; các chủ mô hình thảo luận và thống nhất biện pháp thực hiện ( Quy trình kỹ thuât  và hình ảnh tư liệu kèm theo )

– Ngày 18/6, sau khi triển khai thực hiện mô hình 1 tháng, chủ tịch Hội và cán bộ kỹ thuật đã tổ chức toạ đàm, trao đổi, đánh giá kết quả 1 tháng thực hiện và bàn biện pháp thực hiện tháng tới với các chủ hộ thực hiện mô hình

– Nhằm tăng cường quảng bá kết quả của các mô hình, Hội Nhãn lồng tỉnh Hưng Yên đã chủ động thiết kế, đặt làm biển và thực hiện cắm 6 biển mô hình tại 6 vườn nhãn trong tháng 6/2019. Đây là nội dung thực hiện thêm ( không có trong kế hoạch Đ tài)

– Định kỳ hàng tháng, chủ tịch Hội Nhãn lồng tỉnh Hưng Yên và cán bộ kỹ thuật tổ chức toạ đàm, trao đổi, đánh giá kết quả 1 tháng thực hiện và bàn biện pháp thực hiện tháng tới với các chủ hộ thực hiện mô hình

– Chỉ đạo kỹ thuật và Hướng dẫn chăm sóc: Thực hiện định kỳ hàng tuần và đột xuất khi có vấn đề bất thường về thời tiết hoặc sâu bệnh….Trong tháng 5, tháng 6 và tháng 7 có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài gây hiện tượng rụng quả và là quả lớn chậm, Hội đã yêu cầu các chủ mô hình tưới nước, thường xuyên giữ ẩm, khắc phục tình trạng hạn hán kéo dài cho vườn nhãn

– Nội dung: Biện pháp kỹ thuật sử dụng phân bón Phú Mỹ thâm canh được xây dựng trên cơ sở là quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc nhãn đã có và bổ sung  những TBKT mới nhất tại thời điểm áp dụng. Các biện pháp kỹ thuật đã áp dụng như sau:

– Cắt tỉa cành lần 1: Cắt tỉa sau thu quả 10 ngày. Cắt bỏ các cành trong tán, cành tăm, cành sâu bệnh, tạo bộ tán hình nấm thong thoáng nhằm hạn chế sâu, bệnh…

– Cắt tỉa cành lần 2: Tỉa bớt lộc chỉ để lại mỗi đầu cành khoàng 2 lộc.

– Cắt tỉa quả lần 1: Cắt tỉa cuối tháng 4- đầu tháng 5, sau khi đã đậu quả ổn định; tỉa bớt các chùm quả nhỏ, mọc quá dầy trên các đầu cành.

– Cắt tỉa quả lần 2; Cắt tỉa cuối tháng 5- đầu tháng 6 đối với những cây sai quả

Lượng phân bón được áp dụng theo Quy trình bón phân cho cây Nhãn thời kỳ kinh doanh như sau:

– NPK Phú Mỹ 16-16-8+13S+TE: Dùng để bón sau thu quả thúc lộc thu. Sau thu hoạch quả cây cần phân NPK có hàm lượng Đạm và Lân cao, bổ sung thêm phân chuồng đã ủ hoai mục và phân vi sinh để phục hồi sau quá trình nuôi quả.

– NPK Phú Mỹ 15-15-15+TE: Dùng để thúc lộc, thúc hoa, và sau đậu quả. Giai đoạn thúc lộc, thúc hoa, chống rụng quả. Cây cần phân NPK có đầy đủ và cân đối Đạm, Lân, Kali và trung vi lượng khác để đâm chồi nảy lộc, ra hoa nuôi quả, hạn chế rụng quả sinh lý.

– NPK Phú Mỹ 16-8-16+TE hoặc NPK Phú Mỹ 10 – 10 – 20 + TE dùng để bón nuôi quả. Đặc biệt NPK Phú Mỹ 10-10-20+TE dùng để thay thế kali trong giai đoạn ngọt quả trước khi thu hoạch. Giai đoạn duy trì ổn định quả và tăng trưởng kích thước quả, cây cần phân NPK có hàm lượng Đạm và Kali cao, cân đối, cùng các nguyên tố trung vi lượng.

– Polysulphate của Phú Mỹ dùng để bón khoảng 3- 4 tuần trước khi thu hoạch nhằm, hạn chế rụng quả và nứt vỏ đồng thời làm tăng hàm lượng cùi, tăng độ ngọt và giúp màu sắc quả sáng đẹp.

Lần bón Thời kỳ bón Phân bón NPK Phú Mỹ Lượng bón
(kg/gốc)
Lần 1 Sau thu hoạch quả 16-16-8+13S+TE hoặc 15-15-15+TE  1,5
Lần 2 Trước khi ra nụ 15-15-15+TE  1,5
Lần 3 Sau đậu quả 16-16-8+TE hoặc 15-15-15+TE  1,5
Lần 4 Nuôi quả 10-10-20+TE  1,5
Lần 5 3-4 tuần trước thu quả Polysulphate 1,5

 

– Toàn bộ lượng phân được chia làm 5 đợt: bón sau thu hoạch 10 ngày; bón thúc hoa khi giò hoa xuất hiện rõ; và bón thúc quả khi quả bằng hạt đậu xanh; khi quả băng hạt ngô và bón bổ sung Polysulphate – Phú Mỹ  khoảng 3- 4 tuần trước khi thu hoạch để tăng hàm lượng cùi, tăng độ ngọt và màu sắc quả.

            Khoanh vỏ: Chọn thời điểm khoanh vỏ và kỹ thuật khoanh vỏ cho kết quả ra hoa tốt nhất

            Xử lý hóa chất: Áp dụng công thức, liều lương và thời gian xử lý cho kết quả ra hoa tốt nhất.

– Sử dung các thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trên cây ăn quả, phun phòng trừ sâu bệnh theo kết quả điều tra diễn biến sâu bệnh gây hại trên vườn.

* Các chỉ tiêu và phương pháp theo dõi.

– Các chỉ tiêu đánh giá khả năng sinh trưởng của cây.

– Thời gian ra hoa; tỷ lệ đậu quả.

– Các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất.

– Các chỉ tiêu về đặc điểm quả, đánh giá chất lượng quả.

– Mức độ sâu bệnh gây hại của một số đối tượng sâu bệnh gây hại chính.

Các chỉ tiêu theo dõi được theo dõi trên 10 – 30 cây tùy thuộc vào các chỉ tiêu theo dõi khác nhau. Năng suất thực thu của các gói kỹ thuật áp dụng được thống kê trên toàn bộ diện tích mô hình . Các chỉ tiêu được so sánh với mô hình đối chứng là mô hình canh tác của người dân.

Kết quả thực hiện nội dung 2:

2.2.1.Quy trình chăm bón.

Đề tài được phê duyệt chính thức ngày 08/5/2019, nhưng trong thời gian từ tháng 4 trở về trước, các chủ mô hình đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo sự hướng dẫn thường niên của Hội Nhãn lồng tỉnh Hưng Yên. Trong khi chờ phê duyệt Đề tài, Hội nhãn lồng tỉnh Hưng Yên đã chủ động biên soạn ” Quy trình kỹ thuật sử dụng Phân bón Phú Mỹ thâm canh nhãn “ và khảo sát lựa chọn mô hình,  Ngay sau khi triển khai thực hiện Đề tài lãnh đạo Hội và các cán bộ kỹ thuật đã tỗ chức các buổi tập huấn, hội nghị đầu bờ tại các vườn thực hiện mô hình, hàng tuần theo dõi, kiểm tra và hướng dẫn thực hiện Quy trình

  Bảng 1: Quy trình bón phân                                           

Lần bón Thời kỳ bón Phân bón NPK Phú Mỹ Lượng bón
(kg/cây)
Tháng 8-9/2019 Sau thu hoạch quả

 

16-16-8+13S+TE

Phân vi sinh

 1,5

3,0

Tháng 1-2 Trước khi ra nụ
Tháng 4-5 Sau đậu quả 16-16-8+13S+TE  1,5
Tháng 6-7 Nuôi quả 10-10-20+TE  1,5
3-4 tuần trước thu quả Polysulphate 1,5

                                   

2.2.1.1. Bón phân 

  • Lượng phân cho mô hình 0,5 ha: đường kính tán t bình 6m, khoảng 300 cây/ha
    • NPK Phú Mỹ: 16-16-8+13S+TE :    450 kg (3 kg/cây)
    • NPK Phú Mỹ: 10-10-20+TE:          450 kg (3 kg/cây)
    • Polysulphate Phú Mỹ:          225 kg (1,5 kg/cây)
  • Thời kỳ và liều lượng bón:  Toàn bộ lượng phân được chia làm 4 lần bón.

Lần 1: Bón thúc hoa vào tháng 2 -3, do Đ tài được phê duyệt muộn, các chủ hộ bón với liều lượng và chủng loại phân khác nhau

Lần 2: Bón thúc quả vào tháng 4 – 5. Bón 1,5 kg/gốc NPK Phú Mỹ 16-16-8+TE.

Lần 3: Bón thúc quả vào tháng 6 – 7. Bón 1,5 kg/gốc NPK Phú Mỹ 10-10-20+TE.

Bón 1,5kg Polysulphate vào tháng 6 – 7 – 8, khoảng 3-4 tuần trước thu hoạch

Lần 4: Bón 1,5 kg/gốc NPK Phú Mỹ 16-16-8+TE sau thu hoạch quả vào cuối tháng 8 – tháng 9 kết hợp bón 3kg phân vi sinh/gốc và phân chuồng giúp cây chóng hồi phục nhanh ra lộc thu

Cách bón:

Bón phân hữu cơ: đào rãnh xung quanh cây theo hình chiếu của tán với bề mặt rãnh rộng 20 – 30 cm, sâu 30 cm, rải phân, lấp đất và tưới nước giữ ẩm.

Bón phân vô cơ: khi đất ẩm chỉ cần rải phân lên mặt đất theo hình chiếu của tán, sau đó tưới nước để hoà tan phân. Khi trời khô hạn hoà tan phân trong nước để tưới hoặc rải phân theo hình chiếu của tán, xới nhẹ đất và tưới.

2.2.1.2. Phân bón cho điểm đối chứng

Sử dụng các loại phân khác trên thị trường (không phải Phân bón Phú Mỹ) bón với lượng phân tương đương hoặc theo quy trình chăm bón của nông dân.

2.2.2. Kết quả theo dõi

Trong điều kiện thời tiết từ tháng 4 năm 2019 thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây nhãn, lại được bón phân Phú Mỹ hàm lượng cân đối, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây nhãn nên năng suất cao hơn năm trước, ước tính năng suất tăng 6-12 % so với vụ nhãn 2018. Kết quả theo dõi, đánh giá 06 mô hình cho thấy: Tại vườn của 2 chủ mô hình có trình độ thâm canh cao, có kinh nghiệm thâm canh đạt năng suất cao từ những năm trước năng suất tăng khoảng 6-7%,: Tại vườn của 2 chủ mô hình có trình độ thâm canh khá những năm trước năng suất tăng 9-10% và tại vườn của 2 chủ mô hình có trình độ thâm canh trung bình trước đây, sau khi được áp dụng ” Quy trình kỹ thuật sử dụng Phân bón Phú Mỹ thâm canh nhãn “ đã cho năng suất tăng rõ rệt khoảng 12%.

Tại các mô hình, trước khi thu hoạch bón phân  NPK Phú Mỹ 10-10+20+TE có bổ sung thêm phân Polysulphate Phú Mỹ giúp cho cây phát triển khỏe, hạn chế rụng quả và nứt quả trong tháng 6-8 mưa nhiều và làm tăng hàm lượng cùi đồng thời giúp cho quả chuyển hóa đường, nâng cao chất lượng, vỏ quả bóng đẹp.

2.2.2.1. Các yếu tố cấu thành năng suất

Bảng 2: Trọng lượng quả – yếu tố cấu thành năng suất cây nhãn

                                                                                      Trọng lượng quả trung bình – gam

Mô hình 1 2 3 4 5  6
Đối chứng (ph. bón khác) 13,74 14,40 12,56 12,12 10,88 11,30
Mô hình (ph. bón Phú Mỹ) 14,70 15,15 13,69 13,33 12,19 12,65
So sánh ( tăng % ) 7 6 9 10 12 12

 

Kết quả tính trọng lưởng quả trung bình của những cây nhãn tại vườn các mô hình ở bảng 2 cho thấy: Mô hình sử dụng phân bón Phú Mỹ cho trọng lượng quả trung bình cao hơn so với đối chứng từ 6-12% tùy theo vùng. Trên cơ sở trọng lượng quả tăng làm cho năng suất thu hoạch cũng nâng lên tương ứng từ 0,5 0,8 tấn/ha

2.2.2.2. Nâng cao chất lượng quả nhãn

Mô hình được bón phân Phú Mỹ gồm NPK và Polysulphate Phú Mỹ đã hạn chế hiện tượng nứt vỏ quả và giảm tỷ lệ rụng quả, tăng năng suất, chất lượng cũng như mẫu mã của quả nhãn. Đây là một kết quả tốt mà phân bón Phú Mỹ đem lại và được tất cả các chủ nhà vườn mô hình cũng như khách tham quan mô hình nhận xét và khẳng định.

Bảng 3: Hiệu lực của phân bón Phú Mỹ đến chất lượng quả nhãn                                                                                                    Độ Brix (%)

Mô hình 1 2 3 4 5 6
Đối chứng (ph. bón khác) 19,88 20,41 20,19 19,92 19,58 19,88
Mô hình (ph. bón Phú Mỹ) 20,39 20,82 20,58 20,49 19,89 20,25
So sánh ( tăng % ) 0,51 0,41 0,41 0,57 0,31 0,37

 

Theo bảng trên, chất lượng nhãn khi được bón phân Phú Mỹ có sự vượt trội so với phân bón khác. Căn cứ theo độ Brix để đánh giá chất lượng quả thì độ Brix trung bình trong quả nhãn của các mô hình cao hơn đối chứng từ 0,31 đến 0,57% .

2.2.2.3. Các chỉ tiêu theo dõi

Bảng 4: Các chỉ tiêu đánh giá

Chỉ tiêu Mô hình trình diễn Đối chứng
Đặc điểm cành, lá Cành khỏe không nấm rêu, màu sắc lá xanh đậm, phiến lá dầy, bóng. Cành khỏe không nấm rêu, màu sắc lá xanh đậm,
Sâu bệnh Rệp sáp, sâu đo, bọ xít, sâu đục cành, bệnh mốc sương, khô đầu lá Rệp sáp, sâu đo, bọ xít,  sâu đục cành, bệnh mốc sương, khô đầu lá
Thời gian bắt đầu ra nụ hoa Tháng 2 Tháng 2
Thời gian bắt đầu nở hoa Tháng 3 Tháng 3
Tỷ lệ rụng quả tháng 4-5 35-40% 35-40%
Tỷ lệ rụng quả tháng 6-7 5-10% 15-20%
Năng suất (tấn/0,5ha) 12,7 11,9

 

2.2.3. Hiệu quả kinh tế

Các mô hình thực hiện các biện pháp chăm sóc từ khi thu hoạch vụ trước đến giai đoạn nuôi quả non theo quy trình kỹ thuật và sử dụng phân bón theo cảm tính đối với các loại phân bón lưu thông trên thị trường. Việc sử dụng phân bón Phú Mỹ thâm canh nhãn chỉ được thực hiện từ tháng 5/2019. Mặt khác do sự khác nhau rất lớn về giá bán quả nhãn trong thời gian đầu vụ, giữa vụ và cuối vụ thu hoạch, sự ghi chép thu chi của từng chủ hộ, có chủ hộ bán tại vườn người mua tự cắt, có 2 chủ hộ đưa nhãn đi bán tai các Hội chợ, các siêu thị và bán tực tiếp cho các đoàn khách tham quan du lịch tại vườn… nên việc hạch toán cụ thể và tính hiệu quả kinh tế đươc tính dựa vào mức tăng năng suất và mức chênh lệch giá giữa mô hình và vườn đối chứng.  Qua theo dõi và tính toán năng suất các mô hình tăng từ 6-12% và khảo sát chênh lệch giá bán nhãn quả tai vườn tăng khoảng 5-10% so với vườn đối chứng. Mức tăng thu nhập của các mô hinh tăng năng suất thấp nhất là 1,06 x1,05 = 1,113; Mức tăng thu nhập của các mô hinh tăng năng suất cao nhất là 1,12 x1,05 = 1,176. Từ đó cho thấy mức tăng về thu nhập tăng tương ứng từ 11,3% đến 17,6%

2.2.4. Đánh giá kết quả các mô hình

– Sử dụng phân bón Phú Mỹ: NPK 16-16-8+TE  và NPK 10-10-20+TE và Polysulphate bón cho cây nhãn đúng kỹ thuật tại các mô hình cho thấy hiệu quả rõ rệt, cụ thể là cây sinh trưởng tốt, phát triển cân đối, hạn chế rụng quả, nứt vỏ quả, làm tăng trọng lương quả, tăng tỷ lệ cùi và góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng quả nhãn và hiệu quả kinh tế trong việc trồng và thâm canh nhãn

– Sử dụng phân bón Phú Mỹ cây khoẻ mạnh thân cứng, bộ lá xanh bền, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.

       2.3.Nội dung 3. Tập huấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật

        – Xây dựng Q. trình kỹ thuật:

+ Đã soạn thảo và in 500 bộ tài liệu” Quy trình kỹ thuật sử dụng Phân bón Phú Mỹ thâm canh nhãn “

+ Đã soạn thảo và in 500 bộ tài liệu” Quy trình kỹ thuật nhân giống  nhãn “

Có Quy trình kèm theo tại Phụ lục của Báo cáo Tổng kết Đề tài

–  Theo kế hoạch của Đề tài sẽ triển khai 06 lớp tập huấn và chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng và sử dụng phân bón Phú Mỹ chăm sóc cây nhãn theo hướng sản xuất nhãn an toàn (Vietgap, Globgap) cho 300 người. Đã thực hiện 9 lớp tập huấn với sự tham gia của trên 450 cán bộ liên quan, các hộ nông dân trong mô hình và các hộ ngoài mô hình có nguyện vọng phát triển cây nhãn. Đạt 150% so với kế hoạch của Đề tài. Góp phần tích cưc trong việc nâng cao kiến thức về kỹ thuật trồng và sử dụng phân bón Phú Mỹ chăm sóc nhãn theo quy trình sản xuất an toàn cho người người trồng nhãn tại tỉnh Hưng Yên.( có hình ảnh tư liệu các lớp tập huấn và danh sách học viên kèm theo )

2.4. Nội dung 4. Nghiên cứu và triển khai ứng dụng sản xuất thử nghiệm một số sản phẩm thực phẩm từ nguyên liệu long nhãn

      Bước 1: Khảo sát, đánh giá tiềm năng thị trường, định hướng khách hàng, đề xuất một số sản phẩm sản xuất từ long nhãn gồm: Chè long nhãn hạt sen, Trà long nhãn hoa cúc, Sâm long nhãn hoa cúc, Bánh quy long nhãn, Bột long nhãn, Nhân bánh long nhãn (nhân bánh này có thể dùng để sản xuất bánh trung thu, bánh pía, bánh ít…), lựa chọn 2 sản phẩm là: Chè long nhãn hạt senTrà long nhãn hoa cúc để ưu tiên nghiên cứu trong năm 2019;

     Bước 2: Nghiên cứu, khảo sát hàm lượng các chất dinh dưỡng trong các nguyên liệu thành phần gồm: Long nhãn, Hoa cúc, Nha đam c Táo đỏ, Kỷ tử,  Nấm tuyết, Hạt của cây hương nhu  – Hạt é, Lạc tiên, Cam thảo, Rễ cỏ tranh, đường cát, đường phèn … Nghiên cứu, đề xuất các công thức phối chế sản phẩm, tiêu chuẩn nguyên liệu, lựa chọn bao bì, xây dựng Quy trình sản xuất thử nghiệm; Dựa trên “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống không cồn” QCVN 6-2:2010/BYT và các đặc trưng riêng, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm Chè long nhãn hạt sen và Trà long nhãn hoa cúc

Bước 3: Sản xuất thử, phân tích đánh giá, hoàn thiện quy trình sản xuất: bao gồm lựa chọn thiết bị phù hợp với năng suất và xây dựng chỉ tiêu kiểm tra ở mỗi công đoạn sản xuất…

Bước 4: Khảo sát thời gian tiệt trùng. Kiểm tra chất lượng sản phẩm, nghiên cứu hạn sử dụng của sản phẩm đảm bảo yêu cầu theo quy định an toàn thực phẩm với số lượng mẫu đủ lớn để theo dõi ở các điều kiện khác nhau (điều kiện thường, bảo quản lạnh, điều kiện môi trường không thuận lợi). kiểm nghiệm sản phẩm sau khi sản xuất 1 tháng, sau 3 tháng tất cả các chỉ tiêu: cảm quan, hóa lý và vi sinh;

Bước 5: Sản xuất Chè long nhãn hạt sen từ 16 nguyên liệu (Cùi nhãn, Hạt sen, Nha đam, Nấm tuyết, Táo đỏ, Hạt cây hương nhu, Kỷ tử , Dịch hoa cúc, Hương sen, Đường…) và Trà long nhãn hoa cúc từ 9 nguyên liệu ( Long nhãn, Nụ hoa cúc, Cam thảo , Kỷ tử,  Lạc tiên,  Rễ cỏ tranh, Đường …), lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm tại Công ty TNHH Dịch vụ KHCN Khuê Nam theo quy định. Phiếu kết quả kiểm nghiệm 11 chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng tại Việt nam. Đã trưng bày 300 lon Chè sen long nhãn và 300 lon Trà long nhãn hoa cúc và khảo sát lấy ý kiến nhận xét của các đại biểu tại buổi Tọa đàm “ Ứng dụng phân bón Phú Mỹ trong việc phát triển cây nhãn và các giải pháp  nâng cao chuỗi giá trị nhãn lồng Hưng Yên “ ngày 23/11/2019

Hai sản phẩm là: Chè long nhãn hạt senTrà long nhãn hoa cúc . Có Báo cáo kết quả nghiên cứu của Trường Đại học công nghiệp thực phẩm kèm theo

      2.5. Nội dung 5. Đề xuất các giải pháp đồng bộ nâng cao chuỗi giá trị của nhãn lồng Hưng Yên

Nhãn lồng Hưng Yên  là loại quả đặc sản nổi tiếng và đã có thương hiệu ” tiến vua”  trên 300 năm , trong những năm vừa qua có sự phát triển nhanh cả về diện tích, năng suất, sản lượng và chất lượng, nhưng do hạn chế về khả năng mở rộng diện tích  đã thua kém diện tích và sản lượng so với nhãn Sơn La, năm 2019, tỉnh Sơn La có gần15.000ha nhãn, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 7.826ha, với sản lượng ước đạt trên 73 ngàn tấn. Đồng thời nhãn Việt Nam đang thua xa nhãn Thái Lan cả về sản lượng và chất lượng cũng như sự đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ nhãn và công nghệ bảo quản nhãn quả tươi; Các chủ hộ chế biến nhãn Hưng Yên đang thu mua nhãn Thái Lan về chế biến long nhãn quanh năm, mặc dù Thái Lan mới nhập khẩu cây nhãn từ năm 1895. Quá trình  phát triển nhãn lồng Hưng Yên đứng trước sự cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước. Để giữ vững và phát triển thương hiệu Nhãn lồng Hưng yên – Hương vị tiến Vua cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh nâng cao năng suât, chất lượng nhãn quả tươi đáp ứng nhu cầu thị trường và đẩy mạnh chế biến đa dạng hóa các sản phẩm từ nhãn.

Nhằm nâng cao chuỗi giá tri của nhãn lồng Hưng Yên, Ban chủ nhiệm Đề tài đưa ra các đề xuất về định hướng, về một số chính sách phát triển nhãn lồng Hưng yên hiệu quả và bền vững; Các giải pháp về KHCN, về hợp tác quốc tế, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến; về phát triển thị trường, quảng bá thương hiệu; về liên kết các khâu trong chuỗi giá trị, liên kết các bên tham gia sản xuất, chế biến nhãn… được nêu tại các Báo cáo chuyên đề kèm theo Báo cáo tổng kết Đề tài. Các nhóm giải pháp trọng tâm gồm:

         Một là: Do hạn chế về khả năng mở rộng diện tích nên định hướng của tỉnh là ổn định diện tích trồng nhãn hiện có, do vậy hướng phát triển chủ yếu là cải tạo diện tích nhãn già cỗi, vườn nhãn tạp có năng suất và chất lượng thấp thành vườn nhãn có tiềm năng năng suất, chất lượng cao.Đối tượng áp dụng: Là những vườn nhãn, cây nhãn được trồng từ hạt có quả nhỏ, năng suất, chất lượng thấp, như nhãn nước và nhãn thóc dưới 15 tuổi. Khả năng sinh trưởng: xanh tốt, không bị sâu bệnh nguy hiểm gây hại áp dụng biện pháp ghép cải tạo sau cắt tỉa

Đối với những cây trên 15 năm tuổi nên phá đi trồng mới hoặc trồng xen các cây nhãn con được nhân giống từ những cây đã được bình tuyển, hàng năm khi cây mới trồng lớn đến đâu cắt thu tán cây nhãn cũ để đảm bảo nguồn thu hàng năm hoặc có thể ghép cải tạo sau cưa đốn. Cải tạo lại bộ tán lớn bằng cách cưa đốn đầu cành: Chọn và định vị trí cành ghép phân bố đều theo các hướng. Dùng vôi hoặc oxyclorua đồng quét lên trên vết cắt. Sau khi cưa đốn, các cành gốc ghép sẽ bật lộc và khi lộc nhãn đạt 10  15 cm tiến hành tỉa định chồi lần 1: Trên mỗi đầu cành để từ 6 – 7 lộc to, khoẻ và vặt bỏ toàn bộ các lộc bên dưới. Khi đợt lộc thứ nhất chuyển sang bánh tẻ tiến hành tỉa định chồi lần 2: Trên mỗi đầu cành chỉ để từ 4 – 5 lộc to, khoẻ, phân bố đều quanh tán và vặt bỏ toàn bộ các lộc bên dưới. Sau đó tiến hành ghép cải tao.

Hai là. Do trình độ áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh nhãn ở nhiều nơi, nhiều hộ trồng nhãn còn hạn chế nên năng suất, chất lượng thấp. Nhiều hộ trồng nhãn chỉ đạt dưới 10 tấn quả/ha trong khi đó nhiều hội viên Hội Nhãn lồng đạt năng suất trên 30 tấn quả/ha; Năng suất bình quân toàn tỉnh năm cao nhất cũng chỉ khoảng 55% năng suất của một số hội viên tiêu biểu của Hội Nhãn lồng. Từ đó cho thấy tiềm năng tăng năng suất, chất lượng phát triển nhãn là rất lớn. Do vậy, giải pháp phát triển nhãn lồng tỉnh Hưng Yên tập trung vào việc cải tạo vườn nhãn cũ và đẩy mạnh áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh; Xây dựng các mô hình thâm canh cao và ứng dụng TBKT vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo ATVSTP; tổ chức các hội nghị đầu bờ tuyên truyền, giới thiệu mô hình cho nông dân áp dụng. Tăng cường  tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao TBKT về trồng và thâm canh nhãn và Quy  trình GAP cho  nông dân trồng nhãn. Do vậy, giải phap phát triển nhãn lồng tỉnh Hưng Yên tập trung vào việc cải tạo vườn nhãn cũ và đẩy mạnh áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh;

      Ba là: Phát triển công nghiệp chế biến nông sản, coi trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và thu nhập của nông dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Tập trung xây dựng các mô hình bảo quản, chế biến có quy mô vừa và nhỏ như chế biến nhãn, vải, dược liệu tinh dầu, thức ăn gia súc, sản xuất hàng hóa chất lượng cao…Phát triển và khai thác có hiệu quả các cơ sở chế biến thực phẩm để từng bước mở rộng sản xuất phục vụ cho xuất khẩu nông sản thực phẩm đã qua chế biến. Mặt khác, cần có chính sách hỗ trợ xây dựng các cơ sở bảo quản chế biến nông sản, hình thành các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm nông nghiệp giữ vai trò kết nối; Ngoài số sản phẩm làm quà biếu, ăn tươi ( đặc sản có mùa) thì con đường phát triển chính nằm ở khâu chế biến, đa dạng hóa sản phẩm  theo mô  hình cây nhân sâm của Hàn Quốc ( từ cây nhân sâm chế biến  hàng nghìn sản phẩm hàng hóa, pha chế thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, kẹo bánh v.v…); tạo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản trong đó có nhãn lồng cho nông dân;

          Bốn là: Tăng cường xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như:  Đẩy mạnh các hoạt động thông tin thị trường; xây dựng thương hiệu một số hàng hóa có thế mạnh cạnh tranh, Nhãn lồng, mật ong, lúa chất lượng cao… và một số chợ đầu mối tiêu thụ hàng nông sản;

      Năm là: Phát huy tiềm năng và lợi thế Hưng Yên, quan tâm, đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch của Hưng Yên nói chung, trong đó có sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn, làng nghề ngày càng đa dạng và từng bước được cải thiện về chất lượng. Tăng cường tổ chức các tour du lịch khám phá Hưng Yên theo hành trình:  “Một ngày trên sông Hồng”; Hà Nội- Phố Hiến Tiểu Tràng An; Hà Nội – Hưng Yên cùng trải nghiệm vườn nhãn lồng tại Khoái Châu – Kim Động – Tp. Hưng Yên – Tiên Lữ… Theo các chặng hành trình, du khách cảm nhận được nét đẹp, sự thanh bình, không khí trong lành của làng quê, trải nghiệm, thưởng thức các đặc sản nông nghiệp nổi tiếng, trong đó có nhãn lồng của Hưng Yên, trải nghiệm nếp sống sinh hoạt cộng đồng, quy trình sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống…

Phần III. SẢN PHẨM KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ CỦA ĐỀ TÀI

  1. Báo cáo về hiện trạng: diện tích, năng suất, sản lượng, cơ cấu giống, quy trình canh tác
  2. Báo cáo chuyên đề về chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nhãn lồng tại Hưng Yên.
  3. Quy trình kỹ thuật nhân giống nhãn;
  4. Quy trình kỹ thuật ứng dụng phân bón Phú Mỹ trồng và thâm canh nhãn
  5. Báo cáo kết quả xây dựng 6 mô hình thâm canh Nhãn sử dụng phân bón Phú Mỹ.
  6. Quy trình sản xuất Chè long nhãn hạt sen;
  7. Quy trình sản xuất Trà long nhãn hoa cúc

 

           Phần IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Sau khi Đề tài được phê duyệt Hội Nhãn lồng tỉnh Hưng Yên đã tích cực, chủ động thực hiện các nội dung công việc đã  nêu trong Thuyết minh đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng, cụ thể như sau:

– Đã hoàn thành tốt nhiệm vụ điều tra, phỏng vấn, tổng hợp phiếu điều tra, sưu tầm các tư liệu, số liệu có liên quan đến tình hình phát triển nhãn lồng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

– Hoàn thành Báo cáo chuyên đề: Đánh giá hiện trạng về diện tích, năng suất, sản lượng, cơ cấu giống, quy trình canh tác nhãn lồng Hưng Yên

– Hoàn thành Báo cáo chuyên đề: Thực trạng thu hoạch và chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nhãn lồng tại Hưng Yên.

– Xây dựng 06 mô hình thâm canh Nhãn sử dụng phân bón Phú Mỹ tại 6 huyên, thành phố thuộc tỉnh Hưng Yên, mỗi huyện, thành phố 1 mô hình. Trong 06 mô hình đa dạng về trình độ, có 2 chủ mô hình có trình độ thâm canh cao, 2 chủ mô hình có trình độ thâm canh khá và 2 chủ mô hình có trình độ thâm canh trung bình với quy mô trung bình 0,5 ha/mô hình. Định kỳ hang tuần theo dõi, trao đổi hướng dẫn các chủ mô hình thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh nhãn đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.

– Đã soạn thảo và in tài liệu” Quy trình kỹ thuật sử dụng Phân bón Phú Mỹ thâm canh nhãn “ và ” Quy trình kỹ thuật nhân giống  nhãn “ câp cho những người tham gia tập huấn và sẽ đăng trên trang tin điện tử của Hội

–  Đã thực hiện 9 lớp tập huấn và chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng và sử dụng phân bón Phú Mỹ chăm sóc cây nhãn theo hướng sản xuất nhãn an toàn (Vietgap, Globgap) với sự tham gia của trên 450 cán bộ liên quan, các Hội viên Hội Nhãn lồng, các hộ nông dân trong mô hình và các hộ ngoài mô hình có nguyện vọng phát triển cây nhãn. Đạt 150% so với kế hoạch của Đề tài. Góp phần tích cưc trong việc nâng cao kiến thức về kỹ thuật trồng và sử dụng phân bón Phú Mỹ chăm sóc nhãn theo quy trình sản xuất an toàn cho người người trồng nhãn tại tỉnh Hưng Yên. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kết quả các hộ mô hình đã đạt đươc khi ứng dụng phân bón Phú Mỹ trong thâm canh tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả cây nhãn, để mọi người áp dụng.

– Đã nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất Chè long nhãn hạt sen từ 16 nguyên liệu (Cùi nhãn, Hạt sen, Nha đam, Nấm tuyết, Táo đỏ, Hạt cây hương nhu, Kỷ tử, Dịch hoa cúc, Hương sen, Đường…) và Trà long nhãn hoa cúc từ 9 nguyên liệu ( Long nhãn, Nụ hoa cúc vàng, Cam thảo , Kỷ tử,  Lạc tiên,  Rễ cỏ tranh, Đường …), lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm tại Công ty TNHH Dịch vụ KHCN Khuê Nam theo quy định. Phiếu kết quả kiểm nghiệm 11 chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng tại Việt nam. Đã trưng bày sản phẩm và khảo sát lấy ý kiến nhận xét của các đại biểu tại buổi Tọa đàm “ Ứng dụng phân bón Phú Mỹ trong việc phát triển cây nhãn và các giải pháp  nâng cao chuỗi giá trị nhãn lồng Hưng Yên “ ngày 23/11/2019 tại Khách sạn Thái Bình, thành phố Hưng Yên với sự tham gia của 250 đại biểu, Sau khi quan sát nhãn mác, bao bì, các chỉ tiêu chất lượng và sử dụng sản phẩm, các đại biểu đánh giá cao kết quả nghiên cứu và hy vọng sau khi hoàn thiện công nghệ, đưa vào sản xuất sẽ góp phần tích cực trong việc đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ nhãn, tạo điều kiện thuận lơi tiêu thụ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng, chế biến nhãn.

Qua thời gian sử dụng Phân bón Phú Mỹ thâm canh cây trồng nói chung, trong đó có cây ăn quả và đặc biệt là cây nhãn cho thấy: Phân bón NPK Phú Mỹ là phân bón chất lượng cao, có đầy đủ các nguyên tố đa, trung và vi lượng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cây trồng; NPK Phú Mỹ đa dạng với hàm lương N,P,K và các nguyên tố trung, vi lượng khác nhau phù hợp với từng thời gian sinh trưởng và phát triển của cây trồng nói chung và cây nhãn nói riêng, ví dụ: NPK 16-16-8+TE phù hợp cho giai đoạn thúc lộc sau thu hoạch và giai đoạn cây nuôi quả non, NPK 15-15-15+TE phù hợp cho giai đoạn sau quả non đến khi làm cùi, NPK 10-11-20+TE phù hợp cho giai đoạn quả làm cùi đến khi thu hoạch. Bên cạnh đó , Phân bón Phú Mỹ còn có Polysulphate dùng để bón khoảng 2-3 lần , lần 1 khi quả bắt đầu làm cùi, lần 2 khi quả nhãn vào nước 1, lần 3 khi quả nhãn vào nước 2 trước khi thu hoạch hạn chế rụng quả và nứt vỏ đồng thời làm tăng hàm lượng cùi, tăng độ ngọt và giúp màu sắc quả sáng đẹp.

      Từ kết quả thực tiễn  ứng dụng Phân bón Phú Mỹ thâm canh nhãn các năm 2018 và 2019, đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức và độ tin cậy của người trồng nhãn với Phân bón Phú Mỹ. Điển hình là 100% xã viên tại HTX cây ăn quả đặc sản Quyết thắng, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên chỉ sử dụng Phân bón Phú Mỹ để thâm canh nhãn 

Trên cơ sở định hướng,quy hoạch phát triển nhãn lồng của tỉnh Hưng Yên và những kết quả ứng dụng phân bón Phú Mỹ thâm canh nhãn, Hội Nhãn lồng tỉnh Hưng Yển trân trọng cám ơn và đề nghị Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí quan tâm hỗ trợ giúp đỡ Hội Nhãn lồng tỉnh Hưng Yên để đề tài được tiếp tục tổ chức nghiên cứu sâu hơn trong những năm tới với trọng tâm là duy trì và nhân rộng các mô hình; Nghiên cứu mô hình phù hợp  phát triển cây nhãn ở các nơi công cộng, đình chùa, ven đê , vườn tạp ; Chế tạo thiết bị cơ giới hóa, tự động hóa khâu bóc cùi nhãn ( xoáy nhãn) , sấy long nhãn; Công nghệ sản xuất các sản phẩm cơ bản từ cùi nhãn như : nươc cốt long nhãn, bột long nhãn làm nguyên liệu pha chế đồ uống, thực phẩm chức năng, kẹo bánh; nghiên cứu hoặc tiếp nhận chuyển giao công nghệ chiết tách một số tinh chất, hoạt chất có dược tính quý từ cùi nhãn, vỏ nhãn, hạt nhãn làm dược phẩm v.v… góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng phân bón Phú Mỹ thâm canh nhãn và ứng dụng các tiến bộ KH&CN chế biến các sản phẩm từ nhãn nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người trồng nhãn.

 

 

 

 

Hưng Yên, ngày 26 tháng11 năm 2019                       Tiến sĩ. Ngô Hùng Mạnh

Chủ tịch Hội Nhãn lồng – Chủ nhiệm Đề tài

 

 

Chưa có bình luận nào

Tin khác đã đăng